Nhiều tác phẩm thơ, ca trù , kịch thơ mà nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung thể hiện đã thực sự đi vào lòng khán thính giả
Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp nghệ sĩ Vũ Kim Dung khi cô đến ngâm thơ cho sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong một buổi giới thiệu sách văn học. Nghệ sĩ xuất hiện vừa lộng lẫy, vừa dịu hiền và gần gũi khiến các sinh viên thực sự bị cuốn hút. Đặc biệt, các bài thơ mà nghệ sĩ ngâm minh họa cho diễn giả nói chuyện đều rất truyền cảm, thể hiện sự tinh tế và chiều sâu cảm thụ văn học.
Lúc đấy đang là sinh viên năm thứ hai, tôi nghe danh nghệ sĩ đã lâu với những bài thơ, kịch thơ phát trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, song lần đầu xem biểu diễn tôi vô cùng ấn tượng với cách diễn xuất vừa có "duyên sân khấu", vừa chân phương, gần gũi với khán giả của nghệ sĩ . Khi các sinh viên hoan hô và hét : "cô ngâm lại đi!", nghệ sĩ mỉm cười hồn hậu chỉ tay vào cổ nói khẽ "đau họng", nhưng vẫn chiều lòng các bạn trẻ ngâm lại đoạn thơ hay...
Sau này, tôi còn có thêm nhiều cơ hội xem nghệ sĩ biểu diễn ở các trường đại học, Cung văn hóa , cơ quan, đơn vị..., mỗi lần lại phát hiện thêm cái tài ứng tác của cô trong nhiều tình huống khác nhau, khẳng định bản lĩnh của nghệ sĩ luôn làm chủ sân khấu và làm chủ tình huống.
Năm học cuối cùng thời sinh viên, tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt CLB thơ của Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt -Xô Hà Nội, theo học lớp học ngâm thơ đầu tiên của Cung do nghệ sĩ Vũ Kim Dung hướng dẫn. Nói sao cho hết niềm vui sướng của một cô bé yêu thích ngâm thơ từ nhỏ như tôi khi được tiếp xúc với nghệ sĩ tên tuổi mà cuộc sống đời thường lại giản dị, dễ gần đến vậy! Ngoài học ở Cung, bất kể lúc nào có thời gian, tôi lại đến nhà cô để tập tành, luyện từ giọng ngâm, cách ngâm đến cách biểu diễn.Cô bảo " học phải đi đôi với hành" nên ngoài việc tổ chức buổi diễn "báo cáo" cho các học sinh tại Cung, cô còn kéo "học trò cưng" cùng đi biểu diễn ở một số nơi, đặc biệt cô dẫn tôi tới Phòng thu E, 58 Quán Sứ của Đài Tiếng Nói Việt Nam để thu thử. Phụ trách buổi Tiếng Thơ lúc đó là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, một biên tập viên văn học "thẩm thơ" rất kỹ tính và tinh tế. Song với sự rèn giũa kỹ lưỡng của nghệ sĩ Vũ Kim Dung sau nhiều lần "thu thử", cuối cùng bài thơ đầu tiên tôi ngâm cũng được phát sóng, đó là bài " Trong Mưa" của nhà thơ Vân Long. Tôi còn nhớ hôm cô Dung báo tôi nghe buổi Tiếng Thơ "đặc biệt" ấy, tôi đã mất ngủ cả đêm!
Say nghề, thành công trong nghề và tận tụy với các thế hệ học sinh là phẩm chất đáng quí của nghệ sĩ Vũ Kim Dung. Nhưng không phải thành công ấy tự đến mà tôi biết cô đã đổi bằng biết bao gian truân, khó nhọc. Sinh ra trong một gia đình thị dân đông con ở Nam Định, từ nhỏ, cô bé Kim Dung đã yêu ca hát, có thể tự dàn dựng những tiểu phẩm nhỏ cùng trẻ con xóm phố biểu diễn nơi công cộng, được dân phố vô cùng ngưỡng mộ, nhưng không được cha mẹ đồng tình bởi định kiến "xướng ca vô loài". Dù thế, nhưng với niềm đam mê ca hát, cô vẫn nung nấu một ngày nào đó được đứng trên sân khấu lớn biểu diễn , chia sẻ tình yêu nghệ thuật với khán giả mọi miền tổ quốc.
Năm 16 tuổi khi Đoàn cải lương Trung Ương đi lưu diễn và tuyển người tại Nam Định, cô đã giấu cha mẹ dự tuyển và chính thức được tuyển chọn vào đoàn. Niềm vui tràn ngập, cô cùng đoàn lên Hà Nội vừa học, vừa biểu diễn nghệ thuật cải lương và là người giới thiệu chương trình các vở diễn của Đoàn.
Trong 5 năm học tập và làm việc tại đoàn ( từ 1961 đến 1966) cô đã học hỏi được nhiều kiến thức văn hóa, kỹ năng nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp trong nước và quốc tế cũng như giao lưu tương tác với khán giả. Rồi sau rất nhiều thăng trầm của nghiệp ca hát, từ năm 1968, nghệ sĩ Kim Dung bắt đầu cộng tác với buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng Nói Việt Nam, trở thành một giọng ngâm thơ bản sắc bên cạnh giọng ngâm Trần Thị Tuyết, Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc.
NSUT Kim Dung trong một lần ngâm thơ tại Văn Miếu, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tháng 11/1972, theo yêu cầu của Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam, nghệ sĩ Kim Dung đã tình nguyện tham gia vào "Nhóm công tác đặc biệt" đi vào chiến trường Miền Nam tổ chức Đài phát thanh kháng chiến. Sau vì tình hình chuyển biến, ta và Mỹ kí hiệp định Paris nên chuyến đi không thực hiện nữa. Song với những bài thơ truyền cảm , có sức hút công chúng, đặc biệt từng làm rung động cả trái tim người ở bên kia chiến tuyến trong các chương trình phát thanh binh vận, nghệ sĩ Kim Dung chính thức biên chế về Ban Văn Nghệ Đài Tiếng Nói Việt Nam từ tháng 11.1972.
Những năm tháng dưới khói bom của giặc Mỹ, nghệ sĩ đã nhiều lần thu thanh các tác phẩm thơ trong tình trạng luôn bị ngắt quãng: còi báo động thì xuống hầm trú ẩn, còi báo yên lại lên phòng thu diễn tiếp và phải lên xuống nhiều lần mới hoàn thành tác phẩm. Có những lần nghệ sĩ phải đạp xe từ nơi sơ tán, qua nhiều hiểm nguy về Đài để thực hiện nhiệm vụ thu thanh.
Trong quá trình lao động nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Dung không rập khuôn theo cách ngâm thơ của lớp đàn chị đi trước, mà luôn tìm tòi sáng tạo đưa âm hưởng các làn điệu dân ca cổ truyền vào từng câu thơ, làm cho nghệ thuật ngâm thơ có thêm những nhân tố mới: đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn cho người nghe.
Nghệ sĩ Kim Dung đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và tìm được những làn điệu đặc trưng, phù hợp để áp dụng vào ngâm thơ, song không áp dụng máy móc mà điều quan trọng là phải bám sát nội dung của mỗi bài thơ để lột tả được hết ý nghĩa của mỗi câu thơ chuyển tải tới công chúng. Ví dụ như thơ của Bác Hồ thường là thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt" ngắn gọn với nội dung giáo dục cao. Nghệ sĩ đã nghiên cứu kỹ, chọn các giai điệu phù hợp với từng bài làm cho người nghe hoà vào hơi thở lạc quan trong thơ Bác, cảm nhận được ý tưởng sâu sắc trong thơ mà không cảm thấy bài thơ quá ngắn.
Hay như trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, phần lớn mọi người ngâm "Kiều Xuân" (tức là điệu lẩy Kiều giọng tươi vui), riêng nghệ sĩ Kim Dung đã áp dụng ngâm "Kiều Oán"( tức là điệu lẩy Kiều giọng ai oán) cho đoạn Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân...đã gây xúc động mạnh đối với người nghe.
Giáo sư Đặng Thanh Lê rất tâm đắc, đã mời nghệ sĩ Kim Dung đến Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm để minh họa trích giảng "Truyện Kiều" và cùng Giáo Sư đi nói chuyện, minh họa Truyện Kiều ở nhiều nơi. Đối với những bài thơ dài, nghệ sĩ Kim Dung luôn tìm cách đan xen hài hòa các làn điệu, thay đổi tiết tấu, nên mặc dù bài thơ rất dài mà người nghe vẫn say sưa theo dõi, cảm thụ được đầy đủ ý thơ mà không thấy nhàm chán , ví dụ như những bài " Sáng tháng năm", "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, bà vẫn hoạt động nghệ thuật không ngơi nghỉ.
Không chỉ dành tâm huyết cho nghệ thuật ngâm thơ, nghệ sĩ Kim Dung đã sớm "cảm" nghệ thuật ca trù, quyết tâm học cho thành tài với loại hình nghệ thuật mang tính bác học này, dù biết đó là con đường nhọc nhằn, chông gai. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Kim Dung đã dành 10 năm dùi mài đèn sách, tập luyện nghệ thuật ca trù từ hai người thầy hàng đầu là Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ và Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Phúc. Quá trình học gian nan vất vả từ kỹ thuật nảy hạt, nhả chữ sao cho chuẩn, tay phách sao cho giòn...Nhưng rồi, vượt qua những nhọc nhằn ấy, nghệ sĩ đã thành công, xứng đáng là học trò ưu tú, làm thày hài lòng và yên tâm là ca trù đã "không mất giống".
Kim Dung cũng đã thu thanh phát sóng và biểu diễn rất nhiều tác phẩm ca trù được khán, thính giả mến mộ như : các tác phẩm của Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Xuân Thủy, Lã Hùng Đàm, Chu Hà, Ngô Linh Ngọc v.v...Sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nghệ sĩ đã được ghi nhận xứng đáng với hai giải thưởng lớn: Hai Huy Chương Vàng trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 cho hai tiết mục: Ngâm thơ bài " Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy" và Hát ca trù bài "Xuân không tuổi" của Xuân Thủy.
Trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều tác phẩm thơ, ca trù , kịch thơ mà nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung thể hiện đã thực sự đi vào lòng khán thính giả. Khán thính giả Việt Nam cũng đã từng ngóng đợi những bài thơ, ca trù mà nghệ sĩ Kim Dung thể hiện trong những buổi giao thừa đón xuân mới, dịp Tết Nguyên Tiêu tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, hay ở những CLB thơ, các cơ quan Chính Phủ, ngoại giao, những nhà máy, xí nghiệp, các trường đại học, đơn vị bộ đội, công an, bệnh viện..., nơi đâu khán thính giả yêu là nơi đó nghệ sĩ có mặt.
Ghi nhận thành tích và sự tận tụy cống hiến, ngày 14/1/1993, nghệ sĩ Vũ Kim Dung của Đài Tiếng Nói Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú do Chủ Tịch nước Lê Đức Anh ký. Đây là thành quả của cả chặng đường gian khổ phấn đấu vì nghệ thuật, phục vụ nhân dân và cũng là sự khích lệ của Đảng và Nhà nước ta đối với những nghệ sĩ hết lòng tu rèn , học tập, phát huy sáng tạo phục vụ sự nghiệp chung của đất nước.
Về hưu năm 2000, song 15 năm qua nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung vẫn không ngừng hoạt động nghệ thuật, từ việc giúp các chị em phụ nữ phường, quận nơi nghệ sĩ cư trú luyện tập cho các hội diễn đến việc tổ chức các chuyến đi biểu diễn từ thiện trong nước.
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung cũng cùng Công ty biểu diễn Hương Sơn tại Cộng hoà Séc xây dựng nhiều chương trình phục vụ cộng đồng người Việt tại các nước Đông Âu, Tây Âu, tham gia các chương trình nghệ thuật do Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức.
Nhưng dù đi đâu, ở đâu nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung vẫn luôn hướng lòng mình về thủ đô yêu dấu, nơi có Đài Tiếng Nói Việt Nam- ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, cũng là mảnh đất để nghệ sĩ cống hiến và thể hiện lòng đam mê đối với môn nghệ thuật dân tộc.
Dịp kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long năm 2010, nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung đã thu thanh thành công bài ca trù " Mừng Thăng Long ngàn tuổi" phát trên Chương trình phát thanh Văn hóa và đời sống, Hệ Văn hóa đời sống và khoa giáo VOV2.
Cũng trong thời gian này, nghệ sĩ Kim Dung thực hiện một vệt chương trình dạy ngâm thơ trên sóng của chương trình"Câu lạc bộ dành cho người cao tuổi", được đông đảo khán giả yêu thơ và yêu ngâm thơ theo dõi. Mấy năm gần đây, tại Cộng hòa Séc, nghệ sĩ tham gia tổ chức biểu diễn và đào tạo cho lớp trẻ người Việt ở nước ngoài cả về tiếng Việt, cả về nghệ thuật dân tộc, trong đó ca trù , chầu văn, quan họ..., khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2014, bà Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vân Trung ương sang Cộng hòa Séc đã trao cho nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung Huy chương vì sự nghiệp dân vận. Trở lại quê hương đúng vào dịp Đài Tiếng Nói Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, nghệ sĩ ưu tú Vũ Kim Dung trao tặng lại cho VOV2 tất cả những tài sản nghệ thuật quí giá nhất, đó là bộ băng đĩa ngâm Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du, các bài hát ru và một số CD khác...mà trong quãng đời hoạt động nghệ thuật nghệ sĩ đã thu thanh, lưu giữ. Nghệ sĩ nói: " Cả cuộc đời tôi gắn bó với Đài và hết lòng phục vụ thính giả của Đài. Những năm chiến tranh đến tính mạng mình còn chẳng tiếc, tiếc chi sự đóng góp công hiến..."
Nguyện vọng đơn giản ấy thật đáng trân trọng và là nguồn động viên lớn lao đối với thế hệ những người làm báo phát thanh đang từng ngày từng giờ đóng góp và cống hiến để xây dựng Đài Tiếng Nói Việt Nam xứng tầm với vị thế và truyền thống của một Đài quốc gia- một Đài anh hùng./.
Theo VOV.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ "bí quyết khiến khán giả không rời mắt" cho học trò cưng - 07/08/2015 04:23
- Ronaldo khoe cơ bắp trong bộ sưu tập đồ lót mới - 07/08/2015 04:17
- Thôi cãi vã, Quỳnh Chi nhường quyền nuôi con cho nhà chồng - 07/08/2015 03:35
- Hằng của 'Hôn nhân trong ngõ hẹp' bán bánh mì kiếm sống - 07/08/2015 02:34
- Rơi nước mắt chuyện MC của VTV thoát 'án tử' - 07/08/2015 01:29