Lê Văn Công cùng với 3 đồng đội ở đội tuyển cử tạ người khuyết tật đã sẵn sàng vào cuộc tại Paralympic Paris 2024, theo khẳng định của HLV Lê Quang Thái.
Có mặt tại Paris, Pháp, từ ngày 23/8 và sau các buổi tập đầu tiên nhằm làm quen với điều kiện khách quan, 4 đô cử của đội tuyển cử tạ người khuyết tật quốc gia gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan và Đặng Thị Linh Phượng đã sẵn sàng vào cuộc thi đấu.
Điều nhiều người quan tâm thời điểm này là chấn thương mãn tính ở cả 2 vai của Lê Văn Công sau nhiều năm tập luyện, thi đấu với khối lượng tạ rất lớn hàng ngày. Kết luận của các bác sĩ cho biết, vai phải của Lê Văn Công bị rách cơ, rách sụn. Vai trái bị đứt dây chằng, viêm điểm bám và dù đã trải qua quá trình điều trị nhưng không thể hoàn toàn bình phục.
Sau giải World Cup 2024 tại Thái Lan vào tháng 5 vừa qua, chấn thương của Lê Văn Công vẫn gây đau nhức hai 2 và các bác sĩ đã phải tiêm huyết tương để đẩy nhanh quá trình tái tạo cơ, hồi phục giúp đô cử này có thể tham dự Paralympic. Dù vậy, suốt quá trình tập luyện hay thi đấu, hầu như Lê Văn Công đều phải dùng thuốc giảm đau.
Từ Paris, Pháp, HLV Lê Quang Thái cho biết, chấn thương mãn tính của Lê Văn Công không thể bình phục hoàn toàn nếu thường xuyên duy trì khối lượng tập luyện lớn. Tuy nhiên, tùy thuộc mức độ đáp ứng của cơ thể, ban huấn luyện sẽ xây dựng giáo án phù hợp, kết hợp với việc xoa bóp, làm nóng… để cơ bắp thích nghi trong các buổi tập.
"Kể từ thời điểm tới Paris, cá nhân tôi và bác sĩ của đoàn vẫn theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, thể lực, thể trạng của Lê Văn Công, cũng như toàn bộ các các VĐV đội cử tạ. Lúc này, các VĐV đều đáp ứng được yêu cầu thi đấu và tinh thần rất quyết tâm, khao khát được lên sàn thể hiện mình. Cũng có chút thuận lợi khi khu tập luyện ngay trong làng VĐV nên việc di chuyển rất dễ dàng", HLV Lê Quang Thái cho biết.
Các thành viên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại văn phòng đoàn trong làng VĐV Paralympic. Ảnh: ĐOÀN TTNKTVN
Những ngày vừa qua, 4 đô cử duy trì tập luyện cách nhật, 1 ngày tập luyện, sau đó nghỉ 1 ngày. Trước đó, mật độ tập luyện khi ở TP.HCM thì dày hơn và phải tính toán cho phù hợp với thời gian, thời điểm thi đấu nhưng quan trọng nhất vẫn là điều chỉnh điểm rơi phong độ.
"Chúng tôi đã thực hiện giáo án tập sáng từ nhà và sang Paris cũng vẫn như vậy. Các VĐV sẽ thi đấu vào buổi sáng, chiều theo giờ địa phương nên phải thích nghi với việc này, điều chỉnh làm sao để lên sàn là có phong độ tốt nhất. Thời tiết tại Paris sáng không quá lạnh nên cũng dễ thích nghi, còn tối thì trời lạnh hơn nên tất cả đều chỉ ở trong phòng, nhằm đảm bảo sức khỏe và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết", HLV Lê Quang Thái chia sẻ thêm.
Trước cuộc thi đấu tại Paralympic, HLV Lê Quang Thái cùng với các đô cử hiểu rất rõ sự kỳ vọng của người hâm mộ về thành tích, đặc biệt với Lê Văn Công - người đã gặt hái nhiều tấm huy chương danh giá từ đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Dù vậy, điều đáng mừng là các tuyển thủ không quá bị áp lực tâm lý.
"Chúng tôi bước vào các buổi tập với tinh thần thoải mái và lên sàn với quyết tâm cao. Trong thi đấu thể thao không thể nói trước điều gì, nên chúng tôi sẽ nỗ lực để thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân trước khi nghĩ đến chuyện chiến thắng đối phương. Nếu vượt qua được chính mình, mọi hy vọng sẽ mở ra", HLV Lê Quang Thái nhận định.
Theo lịch, Lê Văn Công (hạng 49kg nam), Nguyễn Bình An (hạng 54kg nam) vào cuộc tại Paralympic trong ngày 4/9, 1 ngày sau đó, đến lượt Đặng Thị Linh Phượng (hạng 50kg nữ) và Châu Hoàng Tuyết Loan (hạng 55kg nữ) thi đấu. Vẫn còn hơn 1 tuần để thầy trò đội tuyển cử tạ người khuyết tật làm quen với điều kiện khách quan và chuẩn bị cho mục tiêu giành huy chương đại hội.
Tin mới
- Nữ đạo diễn Việt vào danh sách Những phụ nữ truyền cảm hứng nhất do BBC bình chọn - 04/12/2024 04:16
- Giải Nobel Hòa bình tôn vinh nỗ lực hướng tới một thế giới phi hạt nhân - 15/10/2024 03:52
- 20 thanh niên truyền cảm hứng cho cộng đồng năm 2024 - 07/10/2024 08:40
- Việt Nam có 9 nhà khoa học được xếp vào nhóm có tầm ảnh hưởng thế giới 2024 - 25/09/2024 00:59
- Lê Văn Công, đô cử 40 tuổi liệt 2 chân từ khi mới chào đời, đã đi vào lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam khi giành được huy chương tại 3 kỳ Paralympic liên tiếp. - 05/09/2024 00:32
Các tin khác
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người đặt nền móng cho đề cương văn hóa mới - 24/07/2024 02:03
- Nữ sinh bị viêm tuỷ phải nằm để thi tốt nghiệp THPT nuôi giấc mơ làm giáo viên - 27/06/2024 04:29
- 4 nhà khoa học Việt Nam xuất hiện trong BXH của thế giới 2024 - 29/05/2024 07:13
- Tuyển billiard Việt Nam lần đầu tiên vô địch thế giới - 25/03/2024 08:29
- Nữ GS nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2023: 28 năm miệt mài nghiên cứu khoa học - 08/03/2024 05:51