Thứ hai, 21 Tháng 2 2022 10:39

Cách đây hơn 50 năm, trong một ca khúc sáng tác cho ngành y, nhạc sĩ Lưu Cầu đã ví hình ảnh “bóng áo choàng trắng ngời” của họ “như những bông hoa huệ của đời”.

 

Trải qua hơn 2 năm chiến đấu với Covid-19, “những bông hoa huệ” ấy đã quá quen với cảnh “canh thâu thức tròn đêm trắng”. Nhưng những khó khăn vẫn tiếp tục đè nặng trên vai họ, với số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao.

Tuần này, chúng ta sẽ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Cùng với sự tôn vinh, rất cần có những hành động thiết thực để bù đắp phần nào cho những người đã, đang và sẽ còn phải đứng trên tuyến đầu chống dịch.

 

Khi các y, bác sĩ, nhân viên y tế “chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống” cho người bệnh, chúng ta coi họ… là những “người mẹ hiền”, những người anh hùng. Nhưng sau những phút giây căng thẳng bên bàn mổ, bên giường bệnh, sau những ca trực triền miên... họ cũng phải trở về cuộc sống đời thường. Lúc đó, họ lại là những công dân, những người chồng, người vợ, người mẹ, người con… lại phải đối diện với cuộc sống mưu sinh hàng ngày, cũng phải lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” như bao người khác.

 

Chú thích ảnh 
Đoàn y, bác sĩ được tăng cường vào điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh dã chiến số 1. 

 

Chúng ta kỳ vọng họ làm tốt cái công việc “cứu người”, vậy trong đời thường, khi mà “những bông hoa huệ của đời” xuống sức, kiệt sức thì ai sẽ nâng niu, chăm sóc cho tốt tươi trở lại?

 

Bỏ qua những vụ việc lùm xùm tiêu cực trong ngành y gần đây, có thể thấy những đóng góp cũng như sự hy sinh của các y, bác sĩ hơn 2 năm qua vô cùng lớn lao mà chúng ta rất khó có thể bù đắp thỏa đáng. Họ không chỉ chịu những thiệt thòi về vật chất, mà cả tinh thần nữa, đơn cử như về hạnh phúc riêng tư. Chúng ta hãy còn nhớ, mới tuần trước thôi, tại Bệnh viện Quân y 175 đã diễn ra một sự kiện hết sức đặc biệt.

 

Nhằm cổ vũ, động viên, tri ân cán bộ, nhân viên tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức chương trình nghệ thuật và đám cưới cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên thuộc bệnh viện. Những cặp đôi này là các y, bác sĩ và nhân viên đã trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19 tại bệnh viện và trên địa bàn TP.HCM. Vì lý do dịch bệnh cho nên họ đã phải tạm hoãn đám cưới.

 

“Chúng tôi cảm thấy cần phải bù đắp một phần trách nhiệm và đã quyết định tổ chức đám cưới cho các em. Chúng tôi muốn tri ân và cảm ơn tất cả những gì các em đã cống hiến trong suốt thời gian qua" - lãnh đạo Bệnh viện bày tỏ.
Bệnh viện thì tổ chức lễ cưới tri ân, còn chúng ta thì sao? Cá nhân tôi cho rằng, thời điểm này, cách hỗ trợ tốt nhất cho các y, bác sĩ cùng nhân viên y tế là mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy ý thức thật tốt việc phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cũng như quy định phòng chống dịch tại địa phương mình.
Khi chúng ta ai cũng đều biết cách bảo vệ mình thì sẽ hạn chế số ca mắc nhiễm mới, giảm thiểu số bệnh nhân phải đưa vào các bệnh viện, các khu vực điều trị. Như thế tức là giảm bớt áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ cũng như nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Đó là việc làm thiết thực và cụ thể nhất, ai cũng làm được trong dịp kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay. Cũng là góp một phần để giữ cho “những bông hoa huệ của đời” mãi xanh tươi, tỏa hương thơm cho đời.

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi