Thứ sáu, 16 Tháng 7 2021 09:53
Huyền thoại văn học Canada Alice Munro vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 vào ngày 10/7 vừa qua. Bà được cả thế giới tôn vinh như một bậc thầy về truyện ngắn, với 14 tuyển tập nổi tiếng và một giải Nobel Văn học năm 2013.
Munro là người đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (năm 2013) với tư cách là một nhà văn viết truyện ngắn thuần túy. Đồng thời, bà là nhà văn nữ đầu tiên của Canada đoạt giải thưởng văn học danh giá này.
“Bén duyên” muộn với nghề viết
Những câu chuyện của Munro - hiếm khi dài hơn 30 trang và luôn gần gũi với cuộc sống riêng của chính bà - người được nuôi dưỡng bằng những trải nghiệm với người cha nghiêm khắc (nhưng rất yêu sách) và mối quan hệ khó khăn với người mẹ mắc chứng Parkinson.
Truyện của Munro chứa đựng nhiều cảm xúc, ngôn ngữ trau chuốt, thường xoay quanh một loạt các chủ đề lặp lại và nói về những người phụ nữ ở Canada, những bà mẹ và con gái, những người lớn lên, yêu nhau và trải qua những khía cạnh đẹp đẽ và bi thảm của cuộc sống.
Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro
Thực tế, Munro là một người cầu toàn: “Tôi muốn những câu chuyện của mình khiến mọi người cảm động”. Bà dùng bút pháp của một người kể chuyện có chiều sâu và sự hiểu biết để tạo ra thế giới nhân vật. Câu chuyện của Munro thường có một khởi đầu bất ngờ và câu chuyện phát triển theo trình tự thời gian tuyến tính về tương lai hoặc quá khứ.
Munro sinh năm 1931, là con cả trong gia đình có 3 anh chị em tại một trang trại ở thị trấn nhỏ Wingham thuộc tỉnh Ontario của Canada. Munro từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng bà biết “bịa” ra những câu chuyện khi còn nhỏ: “Tôi phải đi một chặng đường dài đến trường và trong thời gian ấy tôi thường nghĩ ra những câu chuyện”.
Tuy nhiên, việc viết truyện và xuất bản đã đến muộn hơn nhiều ở tác giả này. Thời thanh niên, Munro tập trung vào việc nuôi dạy 3 đứa con trước khi dành toàn bộ tâm sức cho công việc viết lách vào cuối những năm 1960.
Munro xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên của mình - Dance of the Happy Shades (1968) - vào năm 1968 khi bà gần 40 tuổi. Tác phẩm này đoạt giải của Toàn quyền Canada cho văn học hư cấu, giải văn học cao nhất của Canada. Thời điểm đó, bà nội trợ này đã giành thời gian để viết mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày, kể cả khi ngồi nấu ăn hoặc trong lúc các con ngủ hoặc ở trường.
“Tôi chỉ đơn giản là có quá ít thời gian cho việc viết lách. Tôi không có thời gian cho những tác phẩm dài hơn. Vì vậy, tôi viết truyện ngắn bởi những lý do rất thiết thực” – Munro nói.
Cách mạng hóa thể loại truyện ngắn
Nhưng Munro từng vật lộn với quan điểm rằng, truyện ngắn nói chung chỉ là sự chuẩn bị cho một cuốn tiểu thuyết, thậm chí bị các nhà phê bình văn học xem như một thể loại phụ. Đã từng có lúc, bà đặt mục tiêu hướng tới việc hoàn thành một cuốn tiểu thuyết.
“Trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng những câu chuyện ngắn chỉ là bài tập, cho đến khi cuối cùng tôi có thời gian đủ để viết một cuốn tiểu thuyết” - Munro từng bày tỏ với báo giới - “Tôi đã tự hành hạ mình rất nhiều khi cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết. Cho đến một ngày, tôi nhận ra rằng truyện ngắn là thể loại phù hợp nhất với tôi, là tất cả những gì tôi có thể viết”.
Ngay cả cuốn sách Lives of Girls and Women, được kể thông qua một nhân vật duy nhất, cũng được coi là một tập hợp các truyện ngắn của bà, trong đó các câu chuyện được sáng tác và sắp xếp cụ thể với mục đích tạo ra trải nghiệm đặc biệt cho độc giả khi đọc toàn bộ nhóm tác phẩm, thay vì các phần riêng lẻ.
Bìa cuốn “Dear Life”, tuyển tập truyện ngắn gần đây nhất của Alice Munro được xuất bản hồi năm 2012
Sau khi nhận thấy viết truyện ngắn là phù hợp với mình nhất, Munro đã làm chủ thể loại truyện này và nổi trội hơn bất cứ cây bút nào khác. Bà đã cách mạng hóa, làm sống lại và hoàn thiện thể loại truyện này. Đối với nhiều đồng nghiệp, Munro là nhà văn viết truyện ngắn “xuất sắc nhất”. Còn người bạn thân của bà, nữ văn sĩ Margaret Atwood, thì gọi Munro là “một vị thánh của văn học quốc tế”.
Hans-Jurgen Balmes, từng làm việc tại nhà xuất bản S. Fischer, nơi phân phối sách của Munro ở Đức, cho rằng: “Munro thường viết về những mong muốn chưa được thực hiện trong suốt cuộc đời của một con người và cách mà họ vượt qua thực tế ấy. Chính những chi tiết nhỏ trong sách đã khiến bà trở nên tuyệt vời”.
Trong khi đó, nhà phê bình văn học Sigrid Loffler chia sẻ với báo giới: “Munro làm chủ nghệ thuật ghi lại toàn bộ cuộc sống của một con người trên một trang duy nhất. Bà lấp đầy những câu chuyện của mình, thường dài không quá 20 đến 30 trang, một cách hấp dẫn hơn nhiều so với những tác phẩm dài tới 700 trang”.
Munro được trao giải Man Booker International năm 2009 cho bộ tác phẩm để đời của mình, bao gồm The Love of a Good Woman (1998) và Runaway (2004). Bên cạnh đó, bà còn được trao một số giải thưởng và danh hiệu khác. Sách của Munro từ lâu đã bán chạy ở Canada và Vương quốc Anh, còn bà trở nên cực kỳ nổi tiếng ở Đức sau khi đoạt giải Nobel. Bà từng mở một hiệu sách với người chồng đầu tiên của mình ở Victoria trên đảo Vancouver và nhiều bộ sưu tập truyện ngắn của bà cũng được bán trong cửa hàng. Hiện Canada có một sự kiện văn học mang tên bà.
Tuy đã công bố kế hoạch nghỉ hưu vào năm nhận giải Nobel nhưng sau đó Munro thừa nhận rằng những ý tưởng vẫn tiếp tục đến với bà qua những câu chuyện mới.
Munro từng chia sẻ việc muốn ngừng viết từ năm 2006: “Tôi không nghĩ rằng tôi có thể viết thêm nữa. 2 - 3 năm nữa, tôi sẽ quá già, tôi sẽ quá mệt mỏi. Không phải tôi không thích viết lách, nhưng bạn đã bước vào giai đoạn mà bằng cách nào đó, bạn có suy nghĩ khác về cuộc sống của mình”.
Nhưng 6 năm sau, bà tung ra tuyển tập Dear Life được giới phê bình đánh giá cao. Trong tập truyện này, một số câu chuyện được lấy cảm hứng từ cuộc sống của chính tác giả.
Có điều, lần này Munro thể hiện rõ dấu hiệu cho thấy bà nghiêm túc về việc “gác bút” khi đã thêm “coda” (đoạn kết thúc) vào 4 câu chuyện cuối cùng: “Tôi tin rằng chúng là những gì đầu tiên và cuối cùng, là những điều tôi phải nói về cuộc sống của chính mình”.
Giải Nobel không quá quan trọng
Nhà xuất bản Canada của Munro đã dự đoán về giải Nobel Văn học nhiều năm trước khi bà đoạt giải. Có điều Munro không thấy quá mãn nguyện với thành tựu này. “Tôi biết rằng nếu tôi chiến thắng, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc trong nửa giờ và sau đó tôi sẽ nghĩ: Thật là một sự tra tấn” – bà kể - “Vì hạnh phúc không phải chỉ là những giây phút đó. Hạnh phúc là làm việc chăm chỉ”.
Tin mới
- 'Mẹ đẻ' vaccine AstraZeneca Sarah Gilbert: Nhà khoa học vì con người, xa lánh hào quang - 28/08/2021 00:56
- Ra mắt nhiều ấn phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 25/08/2021 01:10
- Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẵn sàng nhập cuộc tại Paralympic Tokyo 2020 - 22/08/2021 23:53
- 75 năm ngày mất Gertrude Stein: Nhà văn nữ độc đáo nhất thế kỷ - 29/07/2021 02:16
- Vô địch trượt ván trẻ tuổi nhất lịch sử - 27/07/2021 01:04
Các tin khác
- Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh nhận vé mời dự Olympic Tokyo - 03/07/2021 02:18
- Quách Thị Lan chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 - 24/06/2021 02:56
- 'Ánh sáng Mặt trăng' Italia giành chiến thắng Eurovision 2021 - 24/05/2021 02:24
- Khánh Vân vừa bật top 21 đã được dự đoán đăng quang Hoa hậu hoàn vũ - 08/05/2021 12:05
- Năm nhà khoa học Việt lọt Tốp 100 châu Á - 30/04/2021 04:36