Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ hai, 10 Tháng 10 2022 11:03

Trong nhiều câu chuyện của các nhà văn như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Đoàn Giỏi… miền Tây Nam Bộ có sự hấp dẫn, quyến rũ, mê hoặc kỳ lạ với bất cứ ai. Tận sâu trong vùng châu thổ mênh mang sông nước là những khám phá bất tận với bao điều thú vị.

Nói đến Tây Nam Bộ của phương Nam là nói tới sông nước. Sông Mêkông khi đổ vào đất Việt chia thành hai dòng chảy lớn, là Tiền Giang và Hậu Giang, cùng nhiều dòng sông lớn bé khác nhau làm nên một vùng châu thổ trù phú, với nhiều nét văn hóa sông nước đầy ắp những điều hấp dẫn.

 

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 1
 

Nét đẹp bình dị của sông nước miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Shutterstock

Theo thống kê, miền Tây Nam Bộ có khoảng 54.000 km chiều dài sông rạch. Ngoài hệ thống sông ngòi tự nhiên mà người địa phương gọi là “Trời sanh”, còn vô số những con kênh đào ngang, xẻ dọc chằng chịt. Nếu nhìn trên đồ hình, có cảm tưởng mạng lưới sông nước nơi đây như cái mạng nhện chồng lên một bàn cờ. “Sông Cái” tức “sông Mẹ” là nơi sinh ra hàng trăm sông con. Mỗi nhánh sông con lại sinh ra cơ man con rạch nhỏ. Mỗi con rạch nhỏ lại rẽ ra các con xẻo, khóm, mương, ngòi…

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 3

Người dân miền Tây chở du khách đi tham quan vẻ đẹp của những con rạch. Ảnh: Thám hiểm Mekong

Độc đáo vẻ đẹp ghe, xuồng

Nói đến sông nước thì không thể thiếu những con thuyền, mà ở miền này được gọi là ghe, xuồng. Ghe, xuồng Tây Nam Bộ là bộ sưu tập phong phú, đa dạng cả kiểu dáng lẫn chức năng, mỗi loại đặc trưng cho một vùng sông nước.

Từ Long An tới An Giang thường thấy ghe, xuồng lườn tròn để dễ lướt trên những đám lục bình dày đặc ở các khúc sông vùng này. Ở Sóc Trăng, Kiên Giang hay Cà Mau, người dân thường chuộng ghe, xuồng lườn phẳng, gọi là “xuồng ba lá”, “ghe tam bản” (do ba tấm ván ghép lại), vì sông nước vùng này rất rộng lớn.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 4

Ghe, xuồng là phương tiện di chuyển trên sông nước miền Tây. Ảnh: Freepik

Xuồng ba lá có nhiều biến thể. Nhỏ nhất gọi là be bảy, lớn hơn gọi là be tám, be chín, be mười, đóng thêm một tấm ván nữa cho lớn hơn gọi be mười kèm. Các loại ghe nhỏ có ghe tam bản, ghe bầu, ghe cui, ghe cà vom, ghe rỗi (dùng chở cá, chia nhiều khoang, có đục lỗ tròn, rộng để chứa cá), ghe cửa dùng để nhảy sóng ở cửa sông…

Cách sơn màu ghe cũng khác nhau. Phần mũi ghe có nhiều kiểu như một sự trang trí làm đẹp. Đặc biệt, “mắt” ghe là phần cho biết xuất xứ của ghe như thuộc lò đóng ghe nào, của ai…

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 5

“Mắt” ghe là phần cho biết xuất xứ của ghe. Ảnh: Báo Dân Trí

Tiêu khiển với trò đánh bắt cá, tôm

Các nghề liên quan đến sông nước của người miền Tây cũng mang lại hứng thú cho những ai muốn khám phá nét độc đáo của vùng này. Chỉ riêng việc đánh bắt cá mà có đủ loại phương cách: cất vó, đặt lọp, xây nò, thả lừ, mò trìa, đóng đáy cọc, đáy bè, thả chà đăng cá, đáy rập cua, trễ cá, chài lưới… Còn câu thì cũng đủ kiểu như câu cắm, câu giăng, câu thả, câu thượt, câu nhấp, câu rê…

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 6

Người dân miền Tây thả lưới bắt cá trên sông. Ảnh: Shutterstock

Thử một lần về miền Tây câu cá hay đi đặt lọp, bạn sẽ cảm thấy sung sướng, phấn khích tràn ngập trong người khi nhìn thấy cá, tôm nhảy loi choi trên một chiếc xuồng nhỏ giữa sông nước mênh mang, khác hoàn toàn cái thú đi câu ở thành thị trong mấy cái ao, hồ nhân tạo của các khu du lịch giải trí.

Khám phá nét đẹp văn hóa chợ nổi

Về miền Tây sông nước, điều hấp dẫn nhất với tất cả du khách thập phương chính là chợ nổi. Có câu “chưa đi chợ nổi là chưa xuống miền Tây”, không ai đến vùng này lại muốn bỏ lỡ cơ hội tham quan chợ nổi.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 7

Khung cảnh nhộn nhịp của chợ nổi miền Tây. Ảnh: Shutterstock

Chợ nổi là nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước, có thể ví như một bảo tàng văn hóa sống động của người dân miền này. Chợ nổi miền Tây có tuổi đời gắn với thời khẩn hoang khai phá của cư dân vùng đất sông nước phương Nam kỳ bí.

Những khu chợ nổi nổi tiếng vốn là những địa chỉ du lịch văn hóa nằm trên bản đồ du lịch của các hãng lữ hành Việt Nam và quốc tế, có thể kể đến như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Trà Ôn, chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Năm Căn…

Chợ nổi thường được họp ở vùng giáp ranh giữa các con sông. Một khúc sông nước rộng mênh mông đủ cho hàng trăm, hàng ngàn ghe, xuồng lớn nhỏ quần tụ. Chợ cạn có gì thì chợ sông cũng có y như thế, không thiếu bất cứ thứ nào, nhưng cách quảng cáo thì độc nhất vô nhị. Chiếc ghe, xuồng nào bán đồ gì, họ treo thứ đó trên một cây sào dài 5-7 m, gọi là “bẹo”, đi từ xa 200-300 m đã thấy. Chính cách “PR” độc đáo này làm cho ai tới chợ cũng thấy lý thú.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 8

Bán thứ gì, người bán sẽ treo trên cây bẹo thứ ấy để người mua biết mà tìm đến. Ảnh: Shutterstock

Đặc sản mỗi chợ cũng mang nét riêng. Chợ Cái Bè, Trà Ôn toàn là trái cây của các nhà vườn nổi tiếng miền Tây. Chợ Năm Căn thì đâu đâu cũng là thủy hải sản, gồm cá, tôm, cua, mực của cả vùng biển cực Nam Tổ quốc. Chợ Cái Răng nổi tiếng với các loại rau củ đất phương Nam. Chợ Phụng Hiệp là nơi cho lãng khách bốn phương mê say với rùa, rắn, chuột đồng…

Ẩm thực đậm nét khẩn hoang

Ẩm thực Tây Nam Bộ đậm nét thời kỳ khẩn hoang. Đặc biệt, với người miền Tây, cái gì cũng có thể nướng được, không chỉ tôm, cua, cá, chim… mà còn cả các loại rau củ quả, mang đến những món ăn tuyệt ngon, đầy hương vị lạ. Cách nướng cũng độc đáo không kém, gồm nướng trui, nướng trên khói, bọc đất nướng, bọc lá vùi vào lửa…

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 9

Món cá lóc nướng trui. Ảnh: Thám hiểm Mekong

Đối với món lẩu hay cuốn, những loại rau ăn kèm mở ra cả một thế giới thực vật sông nước Nam Bộ phong phú cho thực khách trải nghiệm. Nào là đọt lục bình, đọt bông súng, đọt xoài, bông điên điển, bông so đũa, rau kèo nèo, lá vị…

Khi thưởng thức món ngon miền Tây, nhấp thêm ngụm rượu Phú Lễ thì ngon phải biết. Uống ly đầu thấy vị đậm đà, mềm môi cạn tiếp cảm thấy cái phóng khoáng, lâng lâng. Thêm vài ly nữa đủ để con người ta bay bổng trong giấc thần tiên, cởi mở tâm tình với tri âm.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 10

Vò rượu Phú Lễ. Ảnh: Rượu Phú Lễ

Về miền Tây nghe điệu đờn ca tài tử

Vùng sông nước Nam Bộ còn gây thương nhớ bằng những điệu hò, điệu lý và những khúc nhạc vọng cổ, để bất kỳ ai khi rời đi đều mang theo một cảm giác bâng khuâng khó tả. Những bản đờn ca tài tử như “Khóc Hoàng Thiên”, “Trăng thu dạ khúc”, “Tam xuân”, “Phụng hoàng”, “Vọng kim lang”… mang âm điệu da diết, thấm đẫm hồn sông nước, khiến người nghe man mác chút hoài cảm khó quên.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 11

Nhà hát Cao Văn Lầu - nơi lưu giữ những dấu ấn của nghệ thuật đờn ca tài tử. Ảnh: Báo Bạc Liêu

Vào bất cứ một quán ăn bình dân nào ở miền Tây đều thấy treo cây guitar phím lõm - một phiên bản Việt hóa của cây đàn guitar châu Âu nguyên thủy, chuyên dùng để đàn các bản nhạc vọng cổ, cải lương. Quán nào “sang” thì có thêm cây đờn cò - đàn nhị, cây độc huyền cầm - đàn bầu. Khách muốn nghe, dù chỉ là một người, chủ quán và có khi cả nhân viên phục vụ đều sẵn sàng đàn hát. Hình như ở đây, ai ai cũng thấm trong người những giai điệu sông nước “Dạ cổ hoài lang”.

Thưởng ngoạn nhịp sống sông nước tại vùng đất “chín rồng” - 12

Các nghệ sĩ biểu diễn đờn ca tài tử. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Mời bạn một lần đến với miền Tây Nam Bộ để cảm nhận tình người và vẻ đẹp trù phú của đất “chín rồng”, cũng như nét hoang sơ đặc trưng của một vùng văn hóa đậm dấu ấn lịch sử khai phá, mang đầy tính cách phóng khoáng nhưng dũng cảm, kiên cường của người dân phương Nam.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi