Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ bảy, 11 Tháng 9 2021 07:44

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

 

Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú.

Sau 06 năm triển khai, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã góp phần nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về vai trò quan trọng và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân thân thiện, yêu chuộng hòa bình và mến khách thông qua các sự kiện đối ngoại lớn tổ chức tại Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại, các cơ quan, địa phương còn gặp phải một số khó khăn như kinh phí còn hạn chế, chưa hình thành được cơ chế điều phối hiệu quả, tại một số địa phương, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu chủ động kêu gọi, huy động nguồn lực của xã hội để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại.

Trong những năm tới, tình hình khu vực và thế giới sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn. Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi.

Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, chính sách, đẩy mạnh đàm phán, ký kết, thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế phục vụ công tác văn hóa đối ngoại trong thời kỳ mới, trong đó có chủ trương, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững về văn hóa.

Tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức

Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú như Ngày/Tuần Văn hóa, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các môn thể thao dân tộc, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các hoạt động đối ngoại nhân dân như liên hoan/Gặp gỡ hữu nghị nhân dân, phát huy các danh hiệu thế giới, giải thưởng khu vực và quốc tế, tôn vinh danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam...

Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín như Triển lãm thế giới EXPO, Thế vận hội Olympic, liên hoan phim quốc tế, hội chợ du lịch quốc tế, các sự kiện thể thao quốc tế lớn, hội chợ sách quốc tế... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội, trao đổi đoàn phóng viên, báo chí, hợp tác với các đoàn làm phim quốc tế.

Tiếp tục chọn lọc triển khai việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam và Trung tâm dạy tiếng nước ngoài trên cơ sở nhu cầu, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với nước sở tại và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Nâng cao chất lượng cán bộ và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc

Tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, thu hút nguồn lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia và địa phương tại khu vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động giao lưu, giao thương thường xuyên, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới.

Chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng hiệu quả hợp tác đa phương, phát huy hơn nữa vai trò của công tác văn hóa đối ngoại tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như UNESCO, ASEAN, ASEM, IFACCA, WIPO...

Chủ động tiếp thu, giới thiệu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô, uy tín; phát triển các thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật chất lượng tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hoá về văn hoá; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Báo cáo kết quả công tác văn hóa đối ngoại trước ngày 30/11 hàng năm

Chỉ thị nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, các tổ chức nhân dân, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị theo định kỳ hàng năm, sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kịp thời đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai Chỉ thị, hỗ trợ các hoạt động văn hóa đối ngoại ở nước ngoài, gắn kết với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đối ngoại, phát triển đội ngũ tham tán, tùy viên văn hóa.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở triển khai truyền thông quảng bá về văn hóa đối ngoại song hành, hiệu quả với công tác thông tin đối ngoại.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng, hợp tác, sản xuất, trao đổi, phổ biến chương trình, sản phẩm truyền thông, quảng bá văn hóa đối ngoại ở trong và ngoài nước.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt Chỉ thị, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại; báo cáo kết quả công tác văn hóa đối ngoại trong năm và kế hoạch dự kiến cho năm tiếp theo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30 tháng 11 hằng năm./.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi