Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 10:02

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm nay của đồng bào Khmer Nam Bộ diễn ra trong lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Vì vậy, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các địa phương đã có cách tổ chức đón Tết cho bà con để vừa trọn đạo vừa an toàn sức khỏe.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung tới thăm chùa Xiêm Cán nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2020. Ảnh Báo Bạc Liêu
Theo tục lệ, mọi sinh hoạt Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer đều diễn ra tại chùa từ ngày 13-16/4.

Nhưng năm nay, trước diễn biến của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và góp phần phòng, chống dịch bệnh, hoạt động mừng Tết Chol Chnam Thmay của đông bào Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu… được tổ chức theo tinh thần gọn nhẹ nhưng trọn đạo và an toàn sức khỏe.

Tại Bạc Liêu, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về các biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn lây lan, năm nay Tỉnh ủy và UBND tỉnh không tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, không tổ chức đoàn cán bộ đông người đi chúc Tết Chol Chnam Thmay như mọi năm.

Tuy nhiên, trong dịp này, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung chăm lo, giúp đỡ đồng bào Khmer, nhất là những hộ nghèo bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực…

Ngày 9/4, Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đến thăm, tặng quà chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ân cần thăm hỏi tình hình đời sống của đồng bào Khmer và thông báo nhanh những nỗ lực của tỉnh thời gian qua trong công tác cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Dương Thành Trung cũng nhờ sư trụ trì, Ban quản trị chùa động viên đồng bào, phật tử chấp hành nghiêm chủ trương cách ly xã hội, các quy định phòng, chống bệnh COVID-19… để góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc việc không tụ tập đông người tại chùa trong dịp Tết.

Theo Thượng tọa Dương Quân, trụ trì chùa Xiêm Cán, nhà chùa ý thức rất rõ tác hại của dịch bệnh COVID-19 nên đã thông báo với người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh.

Nhà chùa đã cho ngừng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao… Các phần lễ chính theo truyền thống thì vẫn tổ chức nhưng hạn chế số người tham dự vừa để bào con ấm lòng, vừa bảo đảm phòng chống dịch.

Tại Sóc Trăng, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh kêu gọi chư tăng cùng toàn thể phật tử tổ chức đón Tết cổ truyền phù hợp tình hình và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Hội đề nghị trụ trì và ban quản trị các chùa khi thực hiện các nghi lễ thì không tập trung bà con như mọi năm. Tổ chức lễ cầu siêu chung cho tất cả những người quá cố tại một điểm và chỉ tổ chức một lần (các gia đình gửi danh sách người quá cố của gia đình mình đến chùa); lễ tắm Phật chỉ làm tượng trưng; việc dâng cơm cho các vị sư tại điểm chùa chỉ thực hiện 1 lần trong ngày và giao cho tổ trưởng làm mà không để bà con dâng cơm…). Tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí…

Sư trụ trì và ban quản trị chùa cũng vận động bà con phật tử mỗi người hãy ở tại nhà thực hiện các nghi lễ theo truyền thống quy mô nhỏ, tiết kiệm, không tập trung đông người.

Tỉnh Trà Vinh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Tết cổ truyền là lễ, tết lớn nhất của đồng bào Khmer sinh sống tại đây nên có rất nhiều nghi lễ và hoạt động có rất đông phật tử tham dự.

Năm nay, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh yêu cầu các sư cả, Ban Trị sự 143 chùa trong tỉnh nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó hướng dẫn một số việc cụ thể như: Không tổ chức nghi lễ đón rước Đại lịch mừng năm mới theo phum sóc mà đón mừng năm mới theo gia đình để tránh tình trạng tập trung đông người. Không tổ chức liên hoan, văn nghệ, trò chơi dân gian, đắp núi cát. Không tổ chức cầu an, cầu siêu tập thể, giữ khoảng cách an toàn 2 m khi thăm hỏi, chúc mừng nhau. Ngày trọng đại Lễ tắm Phật không được tập trung đông người.

Tại An Giang, do hiểu rõ nguy hại của dịch bệnh COVID-19, nên bà con dân tộc Khmer vui vẻ đón Tết cổ truyền ở nhà, không tập trung đông người hay kéo nhau đi chùa như những năm trước.

Ban Dân tộc tỉnh An Giang đã tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện đến chúc mừng các chùa với tinh thần gọn nhẹ, không tập trung đông người.

Bên cạnh đó, trong dịp này, UBND tỉnh hỗ trợ gần 4.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào Khmer với số tiền hơn 13 tỷ đồng; hỗ trợ 50 gia đình chính sách là đồng bào Khmer mỗi hộ 500.000 đồng đón tết; trao quà Tết cho 84 người có uy tín là đồng bào Khmer; tặng quà các trường dân tộc nội trú, trường nghề dân tộc nội trú trong tỉnh…

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi