Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Tác giả Nguyễn Hồng Minh đã từng xuất bản 2 tập thơ là tập Quê Hương và tập Hương Đất. Mặc dù trong 2 tập thơ trên có phần lớn các bài thơ tác giả viết về cuộc đời người lính với hình ảnh khá ấn tượng, nhưng đến tập thơ thứ 3 này anh mới thật sự bộc lộ mình trên bìa sách với nhan đề: Trăng treo bên cánh võng.
Với đầu đề Trăng treo bên cánh võng. Tưởng như từ “Trăng” trình bày khổ chữ to nhất và màu vàng tươi sẽ gây chú ý nhưng người đọc (như tôi) vẫn tập trung nhiều hơn tới cụm từ “bên cánh võng”. Bởi cụm từ “bên cánh võng” đi với “trăng”, mà lại “trăng treo” cho tôi liên tưởng về hình ảnh chiếc võng tăng của bộ đội thời chống Mỹ mắc trên rừng Trường Sơn. Và chỉ có thời chống Mĩ mới phổ biến việc bộ đội ngủ võng tăng, mới giàu chất thi vị về cuộc sống gian khổ ngoài chiến trường, mới mộng mơ như vậy. Từ liên tưởng ấy, tôi dự cảm đây là tập thơ của một người lính đã từng qua chiến trận đau đáu nỗi niềm về cuộc đời lính trận.
Dự cảm quả là không sai. Đọc xong 51 bài thơ trong tập thơ, tôi kê ra được tới 26 bài thơ viết về cuộc đời người lính và liên quan đến chiến trường những năm tháng chiến tranh. Với những tâm đắc, cảm nhận riêng mình, cho tôi được tập trung nói về hình tượng người lính trong thơ Nguyễn Hồng Minh qua tập thơ này. Bởi vì thơ của anh, trước hết anh viết cho anh. Những kỷ niệm của thời lính gian nan một đi không trở lại hổi thúc, sống dậy, ám ảnh… khiến anh phải làm thơ như một cách tri ân cuộc đời. Nhưng sau đó thơ anh cũng là viết cho tôi, cho chúng ta. Người chưa biết thì được biết, người biết rồi càng biết sâu sắc thấu đáo hơn về những gì của một thời trận mạc. Đặc biệt hiểu những người lính - họ đã cống hiến cả tuổi xuân để giữ gìn non sông đất nước này.
Thật vậy, đời lính bao giờ và ở đâu chẳng gian khổ. Gian khổ mọi phương diện. Trước hết là sự thiếu thốn về vật chất: “Đường Trường Sơn bom đạn giội trên đầu/Mưa xô người khát cháy khô cọng cỏ/áo sờn vai, máu trộn bùn nâu đỏ/Vết chân mài nhẵn đá, vịn bóng cây/Măng đắng, sắn hoang, giang chút, tàu bay…/Xì xụp húp canh tiếng cười ran suối vắng…” (Một thời đáng nhớ)
Sự thiếu thốn vật chất ấy càng kinh sợ hơn đối với người lính là nữ nhi ở chiến trường: Trung đội con gái ba bảy người/ Tuổi trăng tròn, quê mỗi đứa một nơi/ Nhà trong hang, đá nền giường ngủ/ Cơm gạo mốc, rau rừng thay bữa/ Chấy bu đầu, thâm sì ghẻ ngứa/ Đêm chuột cắn tay bật máu khi nằm/ Sốt vàng da, tóc rụng thưa lưng… (Những bông hoa rực đỏ).
Những câu thơ viết như thế sẽ ám ảnh mãi người đọc, nhất là lớp trẻ chưa bao giờ kinh qua chiến tranh, bởi họ không thể hình dung nổi tại sao con người ta lại khổ đến như thế? Tại sao con gái cũng xung phong ra chiến trường để chịu đựng những nỗi khổ tưởng như chỉ có trong truyện kinh dị. Nhưng sự gian khổ đâu chỉ có vật chất mà còn là sự thiếu thồn về tinh thần: “ở Trường Sơn bom đạn nổ chói lòa/ Thèm giọng nói đồng hương nơi xa vắng “ (Đêm Trường Sơn nghe em hát).
Vào chiến trường gian khổ, cái chết luôn rình rập đến bất thình lình, người lính không giữ gì cho riêng mình. Tài sản của riêng từ tấm lương khô, bi đông nước, viên thuốc sốt, điếu thuốc ấm trà đến phong thư quê nhà… các anh đều chia sẻ: “Quầng lửa xa ì ầm đạn nổ/ Sát vào nhau điếu thuốc chung hơi/ Gói trà thơm bếp Hoàng Cầm nổi lửa/ Chuyền tay nhau bát nước ấm hơi người” (Chúng tôi vào thành cổ). Hành động sẻ chia này xuất phát từ thực tế cuộc sống của người lính nơi chiến trường ác liệt. Bởi họ hiểu rõ: Cái lớn lao quý giá nhất là sinh mạng mình còn khó giữ thì những vật chất và tình cảm riêng tư kia giữ có nghĩa lý gì. Vậy nên người lính chủ động, bình tĩnh khi biết rõ sự hy sinh có thể đến với mình: “Chúng tôi sắp vào trận đánh mới/Thành Cổ hoang là cối xay người/Bao bạn bè tiễn đưa không về lại/Trưa ngày mai lại đến lượt chúng tôi” (Chúng tôi vào Thành Cổ)
Những câu thơ đọc lên muốn khóc mà không khóc nổi. Muốn khóc vì thấy những người lính đi vào chỗ chết, biết được mình sẽ chết mà không cứu được. Không khóc nổi vì chính những người lính kia, họ bình thản lần lượt nhận lấy cái chết mà sao ta lại khóc? Viết được những câu thơ đau thế này, tác giả phải từng là người lính vào sinh ra tử, phải rất vững vàng bản lĩnh, phải trải nghiệm mặt trận Quảng Trị… anh mới có được.
Như vậy, nỗi gian khổ của người lính nơi chiến trường là thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tinh thần và cái chết luôn rình rập.Nhưng điều quan trọng hơn mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta là sự chịu đựng để vượt lên những gian khổ ấy của người lính. Đó mới là hình tượng đẹp về họ.
Vâng, họ chịu đựng thế nào? Họ lạc quan vui vẻ trước cái chết: “Ran tiếng nói cười hàng quân lao phía trước/ Quầng khói đen Thành Cổ có chúng tôi” (Chúng tôi vào Thành Cổ). “Đồng đội cười nghiêng ngả đêm nay/ Mai vào trận biết ai còn ai mất/ Những người lính hồn nhiên chân chất/ Có khi lần này nghe em hát nữa thôi” (Đêm Trường Sơn nghe em hát). Như vậy là hơn một lần, thơ Nguyễn Hồng Minh viết về tâm trạng bỉnh thản của người lính khi họ chấp nhận hi sinh. Điều gì khiến người lính chịu đựng và chấp nhận sự hi sinh? Đó là lòng yêu nước, là tình thần chính nghĩa, là niềm tin ở phía quê nhà. Nơi đó có mẹ chờ con, vợ chờ chồng, người yêu chờ anh “Nỗi khát khao cháy bỏng cuối trời”. Không có tình yêu, làm sao người lính vượt qua được hi sinh gian khổ? “Em ơi trong gian khổ/ tình yêu gọi tình yêu/ Qua đạn bom khói lửa/ Bùng cháy mỗi sớm chiều/ Cho lứa đôi đẹp mãi/ Trái tim dành tặng nhau/ Ngày chiến thắng…” (Trăng treo bên cánh võng).
Một điều nổi bật nhất, đẹp nhất làm nên hình tượng người lính trong thơ Nguyễn Hồng Minh còn phải kể đến tình đồng đội. Tình đồng đội – có lẽ ở đâu đó không có chiến tranh, không có cuộc chiến đấu gìn giữ đất nước sẽ không có khái niệm này: “Sẻ chia từng ngụm nước, cọng rau/Viên sốt rét cuối cùng nhường đồng đội/áo gấp ba lô dành tặng bạn mới/Trước bom đạn thù, giành lấy hiểm nguy” (Nén nhang tháng bảy)
Và sau này, con cháu chúng ta lớn lên, ơn trời đất nước bình yên, chúng không phải trải qua chiến trận, chúng cũng sẽ không có tình cảm này. Đó là thứ tình cảm nảy sinh giữa những người cùng chiến đấu vì một mục đich bảo vệ Tổ Quốc, cùng một sống một chết với quân thù, cùng hi sinh gian khổ nơi chiến trường ác liệt. Và họ thương nhau vô cùng: “Thằng sốt rét ôm lấy ấm thằng gầy/Đi phá bom cánh tay giơ giành trước/Pháo đạn găm lấy thân mình che lửa/Sống chết nhường nhau chẳng ai nghĩ đến mình/...Sau trận đánh bát đũa lại thiếu người/Chúng tôi bầy như bạn còn ngồi đấy/Ngôi mộ mới đất hăng mùi cỏ cháy/Hoa rừng hoang tím dại chiều tà” (Một thời đáng nhớ)
Phải nói khi đặt bút viết những câu thơ này, mọi kỷ niệm trong tác giả đã hiện về sống động. Cùng với sự cảm nhận tinh tế, anh đã quan sát và biết chọn ra những tình tiết thật tiêu biểu và ấn tượng để người đọc thấm thía được nỗi đau khi người lính mất mát đồng đội của mình thế nào. Người ta có thể không thuộc đoạn thơ trên nhưng họ sẽ khắc ghi vào lòng hình ảnh những người lính bày bát đũa cho đồng đội mình bình thường như khi họ còn sống trước trận đánh.
Có thể còn những bài thơ Nguyễn Hồng Minh viết hơi dàn trải, có thể còn những câu thơ hồn nhiên, khách sáo… nhưng xây dựng được hình tượng người lính trong thơ mình để người đọc ghi nhớ, hiểu về một thời họ sống để thương yêu và trân trọng họ, đó cũng là một thành công của người viết. Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Hồng Minh.
Hà Nội, ngày 23/1/ 2016
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tin mới
- Tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam bảo đảm hiệu quả, thiết thực - 23/05/2018 03:21
- Vĩnh biệt Thế Song - nhạc sĩ của 'Nơi đảo xa' - 21/05/2018 09:59
- Xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực Việt - 16/05/2018 03:24
- Khai mạc triển lãm sách, báo “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” - 11/05/2018 07:53
- Tưng bừng kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - 08/05/2018 02:59
Các tin khác
- Festival Huế 2018 khép lại những ngày lễ hội đặc sắc - 03/05/2018 07:56
- Triển khai Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2018 - 03/05/2018 07:55
- Lễ hội Tháp Bà Ponagar tại Khánh Hòa - 03/05/2018 07:52
- Hơn 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng - 02/05/2018 04:29
- Xe buýt sách: ‘Điểm hẹn’ mới cho người yêu sách - 20/04/2018 03:08