Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu của người dân, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên 3-5 lần; đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhân dân trong mọi tình huống.
Ảnh minh họa |
Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, TP. Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại 3 vùng: Vùng 1 - khu vực đô thị trung tâm; Vùng 2 - phía Bắc, phía Đông sông Hồng; Vùng 3 - phía Tây, phía Nam Thành phố. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực chuẩn bị hàng hóa.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho biết, hệ thống đã chuẩn bị các kịch bản bảo đảm chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Hiện, VinMart có 4 kho hàng ở Đông Anh, Thanh Trì và một kho bổ trợ ở Bắc Ninh. Các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C tăng 30%-50% lượng thực phẩm khô dự trữ so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, hàng tươi sống. Big C đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200%-300% so với thông thường.
Tuy nhiên, tham khảo ý kiến đại diện một số cửa hàng tiện ích nhỏ trên địa bàn phân Vùng 1 được biết, ngay khi có thông tin về việc thay đổi giấy đi đường, các đơn vị đã theo dõi sát và đưa ra các phương án về vận hành, sắp xếp nhân viên, thông báo và hỗ trợ các nhà cung cấp (chủ yếu là nông dân) thủ tục quy định về giấy đi đường, tăng lượng tồn kho các mặt hàng, chuẩn bị các phương án tăng số lượng chuyến và người giao hàng.
Song việc xác định giấy tờ và quy định cấp phép của từng nhóm nhân viên làm việc tại cửa hàng, như: Nhân viên phục vụ tại cửa hàng, nhân viên giao hàng, nhân viên chuyển hàng nội bộ… cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có từ 5%-7% nhà cung cấp đã từ chối giao hàng ngay và đợi hướng dẫn cũng như xong thủ tục “giấy đi đường”.
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.
Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong Thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để người dân tham gia mua sắm trực tuyến. Đồng thời sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ.
Về phía các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21/9, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động, bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0…
Cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ cho Thanh phố, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản hóa tốc số 3853/SCT-QLTM gửi đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực công thương. Trong đó, văn bản đề cập chi tiết đến việc hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Codr) trong Vùng 1.
Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm: Doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh siêu thị; doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích; đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG (đã được sở công thương cấp giấy chứng nhận của lĩnh vực này); doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hà Nội; doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác thuộc lĩnh vực công thương (tã, bỉm, sữa,…).
Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: Công văn đề nghị của doanh nghiệp đơn vị (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu và việc cấp giấy sẽ được thực hiện theo hình thức online (trực tuyến).
Tin mới
- Lần đầu đưa chanh leo Việt Nam nguyên quả tới tay người tiêu dùng Australia - 29/11/2021 07:07
- Dự báo xu hướng mua sắm Tết đến sớm hơn - 27/10/2021 06:30
- Chợ, siêu thị, quán ăn được mở ở cả 4 cấp độ dịch - 13/10/2021 07:59
- Nhiều chợ truyền thống phía nam hoạt động trở lại đón người dân có 'thẻ xanh COVID' - 06/10/2021 04:49
- Chợ truyền thống ở TPHCM sẵn sàng mở cửa trở lại - 30/09/2021 04:08
Các tin khác
- Những thực phẩm khô cần tích trữ trong mùa dịch Covid-19 - 04/09/2021 06:43
- Mở ra không gian mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản - 02/09/2021 01:03
- Hà Nội công bố 600 điểm bán hàng thiết yếu trực tuyến - 30/08/2021 23:56
- Tạm dừng hoạt động chợ Ngọc Hà vì phát hiện ca nghi mắc COVID-19 - 28/08/2021 00:42
- Không phân biệt “đỏ”, “vàng”, “xanh”, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được đi chợ hộ - 22/08/2021 23:58