Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 20:00

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh tổ chức nhiều điểm lưu động bán các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị; đồng thời bảo đảm giãn cách, hạn chế di chuyển, an toàn phòng dịch.

 

Một điểm bán thực phẩm cho người dân. Ảnh: Bích Phương

Gần đây, việc Công ty TNHH Cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối có các ca nhiễm COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố cũng như tâm lý lo ngại mua thực phẩm tại chợ, siêu thị của người dân. Trước tình hình đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu bị dừng.

Cũng theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30% đến 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Đồng thời, chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Để thực phẩm dễ đến tay người dùng trong bối cảnh dịch bệnh, ngay trong ngày 3/8, tại phố Bắc Cầu (quận Long Biên), siêu thị AEON và UBND quận Long Biên đã tổ chức điểm bán hàng lưu động gồm thực phẩm tươi sống, đồ khô. Giám đốc siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn cho biết, hằng ngày AEON bố trí khoảng 8 tấn hàng hóa thiết yếu phân phối tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên với giá cả được niêm yết giống với tại siêu thị. Thời gian phục vụ người dân sẽ từ 8h-11h trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Cầm túi rau trên tay, chị Mai Thị Hoa (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi những điểm bán hàng lưu động này rất cần thiết trong thời điểm giãn cách xã hội. Hàng hóa tại đây khá dồi dào với các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, bò cá, tôm đến đồ khô… tôi có thể mua đầy đủ thực phẩm theo nhu cầu mà lại được đo thân nhiệt, yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K nên vào mua hàng cũng cảm thấy yên tâm hơn”.

Ngoài quận Long Biên, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân về lương thực, thực phẩm, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế quận, UBND phường Trương Định, Ban Quản lý chợ Đồng Tâm cùng các đơn vị liên quan tổ chức điểm bán hàng lưu động tại tầng 1 nhà A, chợ Đồng Tâm mới.

Mục đích là phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân các phường Minh Khai, Đồng Tâm, Bách Khoa, Bạch Mai, Cầu Dền và giảm tải cho các chợ đang hoạt động trên địa bàn như Bách Khoa, Hôm - Đức Viên. Thời gian bán hàng lưu động trong khoảng 15 ngày với sự tham gia của Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce.

Bên cạnh đó, tại phường Bạch Mai, UBND phường đã tổ chức 2 điểm bán hàng lưu động ở số 307 phố Bạch Mai và số 36 phố Hồng Mai, với sự tham gia của cán bộ, công chức UBND phường và lực lượng cán bộ cơ sở, thanh niên tình nguyện.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người dân, các bưu cục, đơn vị chuyển phát nhanh ngành bưu điện cũng đang tích cực tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng Thủ đô.

Đại diện Bưu điện TP. Hà Nội chia sẻ, hiện đơn vị đã triển khai 472 điểm bán hàng thiết yếu tại các bưu cục, Bưu điện văn hóa xã, cửa hàng tiện lợi Postmar, điểm bán hàng lưu động. Người dân có thể tới trực tiếp để lựa chọn và mua hàng, không bị giới hạn về số lượng.

“Nếu không muốn tới các điểm bán hàng, người dân hoàn toàn có thể gọi điện tới các bưu cục gần nhất yêu cầu cung cấp các loại hàng mình cần. Sau khi nhận đơn, nhân viên Bưu điện sẽ chuyển phát miễn phí tới khách hàng trong thời gian sớm nhất”, đại diện Bưu điện TP. Hà Nội nói.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đến thời điểm này, thuận lợi nhất là TP. Hà Nội đang khống chế dịch, đồng thời các tỉnh phía Bắc dịch COVID-19 chưa lây lan mạnh nên sản xuất của các địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... vẫn bảo đảm cung ứng hàng ổn định cho thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hoạt động hết công suất, mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%; lưu thông hàng hóa cũng thuận lợi.

Có thể thấy, việc ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội đã khiến giá cả hàng hóa tại Hà Nội ổn định; các quận, huyện cũng đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho những khu vực phong tỏa, cách ly y tế; người dân yên tâm phòng chống dịch bệnh.