Thứ hai, 09 Tháng 3 2020 10:40

Hiện giá cả hàng hoá đã trở lại bình thường và chắc chắn không có một biến động nào về giá cả trong hôm nay cũng như những ngày tiếp theo.

 

Giá cả ổn định, người tiêu dùng không còn mua sắm ồ ạt. Ảnh: Thuỳ Linh

 

Báo cáo với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội trong cuộc họp sáng nay (8/3), bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngày 7/3, Sở đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tại siêu thị và một số chợ trên địa bàn Hà Nội nắm bắt tình hình và khẳng định, nguồn cung hàng hoá tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội luôn luôn đầy đủ. 

 

“Chiều qua các siêu thị đã trở lại hoạt động bình thường dù lượng mua có tăng hơn ngày thường nhưng không đến mức phải chen lấn xô đẩy như đầu giờ sáng”, bà Lan nhấn mạnh.

 

Trong sáng nay, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra các chợ tại 30 quận, huyện, trong đó tập trung vào 12 quận nội thành. Theo báo cáo nhanh, tất cả giá cả ở các chợ dân sinh đã dần ổn định lại từ gạo tẻ, mì tôm, rau, thịt lợn đến các thực phẩm khác. Điển hình như thịt lợn chỉ còn từ 140.000-160.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp là 60.000 đồng/kg, gà ta là 130.000 đồng/kg,...

 

“Tất cả khẳng định hôm nay giá cả hàng hoá đã trở lại bình thường và chắc chắn không có một biến động nào về giá cả trong hôm nay cũng như những ngày tiếp theo”, bà Lan nhấn mạnh.

 

Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh sáng nay cho thấy, hầu hết các quầy bán thịt lợn, thịt bò đều còn rất nhiều. Mặc dù thịt tươi, ngon, giá ổn định nhưng không có nhiều khách mua. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thành Công cho biết, so với sáng 7/3, giá thịt lợn và sức mua hôm nay giảm mạnh. Đơn cử, thịt lợn thăn giảm từ 250.000 đồng/kg xuống 160.000 đồng/kg; ba chỉ giảm từ 230.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg; sườn thăn cũng giảm mạnh từ 210.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hôm qua, Bộ Công Thương cùng Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì với tất cả nhà phân phối lớn và các doanh nghiệp lớn. Qua đó các đơn vị này đã khẳng định lượng hàng hoá tăng 4-5 lần so với ngày thường và tăng lượng dự trữ hàng từ 30%-40% trong mùa dịch bệnh, đặc biệt cam kết không tăng giá để bình ổn thị trường.

 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, trong ngày hôm qua (7/3), chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa; mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách hàng. Nhờ đó, hôm nay, 8/3, tại các siêu thị Big C khu vực Hà Nội, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đã tăng cường rất dồi dào. Big C tiếp tục cam kết không tăng giá hàng hóa. Như vậy, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C.

 

Liên quan tới dịch Covid – 19, do tâm lý hoang mang của 1 số khách hàng nên trong ngày 7/3, lượng khách hàng tới siêu thị cùng 1 thời điểm tăng đột biến, do vậy dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy. Bà Nguyễn Thị Phương cho biết, từ khi có dịch bệnh Hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3 - 4 lần. Dù lượng khách hàng đến siêu thị rất đông, tuy nhiên, Big C cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu. 

 

“Với sự chủ động và nỗ lực từ phía Central Retail và các Nhà cung cấp, chúng tôi dự kiến có đủ hàng cung cấp trong vài tuần tới, phục vụ nhu cầu khách hàng”, bà Nguyễn Thị Phương nói.

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng khẳng định công tác tuyên truyền tốt sẽ góp phần giúp người dân ổn định tâm lý, không còn hiện tượng mua sắm ồ ạt...