Chủ nhật, 30 Tháng 8 2015 09:46

Bột ngọt hay mì chính là chất tăng cường hương vị cho thực phẩm, đánh lừa vị giác của người ăn. Lợi nhuận của thứ gia vị này cực lớn, vì thế nó cũng là loại bột ngọt đứng đầu bảng bị... làm giả.

 

Bột ngọt hay còn gọi là mì chính không phải là một gia vị đơn thuần như muối hay tiêu, mà là chất tăng cường hương vị cho thực phẩm, làm hương vị các thức ăn kém vị ngọt trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn, đánh lừa vị giác của người ăn. Nó được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhất là các loại chế biến sẵn như: Giò chả, đồ hộp, các nước sốt, nước mắm, nước tương, bột nêm, đồ ăn cho trẻ em. Lợi nhuận của thứ gia vị này cực lớn, vì thế nó cũng là loại bột ngọt đứng đầu bảng bị... làm giả.

 

Ra ngõ gặp... bột ngọt

 

Một điều khá thú vị khi thực hiện loạt bài này chính là thông tin của một tuyến điều tra cho thấy, rất dễ dàng để mua được một gói mì chính ở bất kỳ đâu, từ siêu thị, chợ đầu mối, chợ đô thị hay chợ vùng quê với đủ nhãn mác. Thậm chí, ở không ít gian hàng trưng biển văn phòng phẩm cũng bày bán... mì chính. Một đầu mối còn cam kết với PV, đảm bảo cung ứng mì chính với số lượng lớn nếu mở đại lý.

 

ATTP2

Gia vị gây nghiện: Cuộc đối đầu sinh tử mang tên... mì chính cánh - Ảnh 1

 

Nhiều loại bột ngọt giả bị phát hiện, thu giữ

 

Theo tìm hiểu của PV thì thị trường bột ngọt hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia sản xuất, tiêu thụ bởi chính yếu tố chế, luyện đơn giản nhưng lãi suất đặc biệt lớn với những dòng bột ngọt "truồng" được đội lốt hàng hiệu. Để giải mã điều bí ẩn này, tuyến PV điều tra về thị trường bột ngọt đã lần tìm tới nhiều địa điểm được đánh giá là "chợ đầu mối" trong các giao dịch liên quan đến bột ngọt, đó là khu hàng khô tại chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hôm - Đức Viên... (Hà Nội). Không khó để nhận ra tại đây có đủ loại bột ngọt được người bán khoác lên đủ thứ nhãn mác có xuất xứ từ nước ngoài như Trung Quốc, Singapore, Malaysia... đến những nhãn hàng bột ngọt có tên tuổi trong nước. Tại ki-ốt T.P. (chợ Đồng Xuân), khi PV hỏi mua loại mì chính chính hãng V.Đ., chủ hàng không ngần ngại chui xuống gầm quầy lôi ra mấy gói bột ngọt cánh to đóng sẵn trong túi nilon trắng không có nhãn mác. Thấy PV thắc mắc, nghi ngại về loại bột ngọt không gắn nhãn, chị này khẳng định, đây là bột ngọt chính hãng mà PV đã hỏi mua. Trước đó, mì chính được đóng trong một bao lớn với trọng lượng 25kg nhưng để tiện cho người sử dụng, chị ta đã chia thành những gói nhỏ hơn từ 500g đến 1kg/gói và được bán với giá 22.000 đồng/kg. Chị chủ hàng đon đả "nếu mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá, cụ thể mua một bao 25kg chỉ với giá 500.000 đồng/bao". Khi PV thắc mắc, sao loại bột ngọt mà chị này bán so với hàng chính hãng rẻ hơn rất nhiều, chị này lấp liếm "vì cửa hàng chị là đại lý cấp 1 nên được nhập giá rẻ từ hãng!?". Tuy nhiên, PV liếc nhanh thì nhận ra trên các túi bao bì lớn ở dưới gầm quầy mà chủ nhân nói là "bột ngọt chính hãng" đó ghi toàn chữ Trung Quốc, trên đó vẫn còn dòng chữ được viết vội bằng bút dạ: "Bột ngọt chuyển tới ki-ốt chị T.P."!?

 

Tại một ki ốt trong chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội), nhóm PV cũng không khó để nhận diện loại bột ngọt "truồng" này. Tại đây, PV được chủ ki ốt khẳng định, sản phẩm bột ngọt anh bán được nhập khẩu từ Malaysia. Tuy nhiên, nó lại được đóng thành những gói nhỏ không nhãn mác, có trọng lượng 0,5kg và 1kg. Thấy thái độ của PV, anh chủ quầy vẫn quả quyết, đó là hàng "xịn", nhập. Anh này lấy một túi bột ngọt đổ ra tay rồi phân tích: "Bột ngọt của Malaysia có cánh to đều, trông "nõn nà" chứ không đục ngà như hàng Trung Quốc, bán đúng giá 23.000/kg, không bớt". Thế nhưng, trên thực tế, bột ngọt Malaysia mà PV mua được có giá là 75.0000/kg, gấp hơn 3 lần so với giá chủ ki-ốt đưa ra!?

 

Hóa chất thành... bột ngọt

 

Sau khi mua một số loại bột ngọt trên thị trường, PV tiếp tục đi tìm lời giải từ Ngọc "vẩu", nhân vật được đề cập đến kì trước, thì phát hiện một sự thật giật mình về nguồn gốc nguyên liệu thực sự của những gói bột ngọt "truồng" gắn các nhãn mác thương hiệu. Theo lời Ngọc "vẩu" thì nguyên liệu phần lớn mà các nhà sản xuất bột ngọt và những cơ sở sản xuất mì chính giả sử dụng 100% là nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Công thức "luyện" ra loại mì chính này hết sức đơn giản, chỉ cần đóng trực tiếp nguyên liệu đó vào bao bì có nhãn mác của những dòng mì chính thương hiệu, cộng thêm một máy dập thủ công là... OK và ngay lập tức có thể đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngọc "vẩu" cũng không giấu giếm: "Trước khi bị bắt, cơ sở tại nhà, trong một ngày có thể chế khoảng 300kg mì chính với đủ các nhãn hàng thương hiệu. Nếu trừ tất cả chi phí về nguyên liệu, bao bì, nhân công... thì làm giả mì chính kiểu này lãi rất lớn".

 

ATTP2.2

Loại nguyên liệu mì chính Tàu và dung dịch pha chế mà PV mua được tại chợ Đồng Xuân

 

Tuy nhiên, trước thắc mắc của PV rằng, làm sao có thể "tuồn" những dòng bột ngọt kiểu này ra thị trường, Ngọc "vẩu" cho biết: Các cơ sở này sẽ không bán số lượng bột ngọt lớn tại địa điểm mà đóng thành những gói nhỏ và bán lẻ, thậm chí để tránh bị phát hiện, sẽ có thỏa thuận ngầm với đại lý, đấu trộn bột ngọt "xịn" với loại bột ngọt rẻ tiền. Có một chiêu thức tinh vi nữa là họ đưa dòng bột ngọt này tiêu thụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...".

 

Cách thức làm và tiêu thụ mì chính giả kiểu này cũng được một điều tra viên Công an quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội xác nhận. Theo đó, trước đây, trong một chuyên án, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, bắt giữ đối tượng T.Đ.H., là công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất gia vị trên địa bàn, khi đó đang vận chuyển 200 gói mì chính giả các nhãn mác thương hiệu có trọng lượng 500gram/gói (tương đương 100kg). Theo khai nhận từ H., cơ quan công an tiến hành khám xét khẩn cấp cơ sở này, phát hiện thu giữ máy móc, nguyên liệu và thành phẩm mì chính mang nhãn hiệu

 

A.J. với tổng trọng lượng hơn 400kg mì chính. Các đối tượng cũng khai, để sản xuất, chúng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về, rồi thuê nhân công đóng gói giả nhãn hiệu nổi tiếng rồi bán ra thị trường, chủ yếu là vùng nông thôn.

 

Giải mã nguyên liệu thực sự nằm trong mì chính là gì mà lại có sức hút ghê gớm tới người tiêu dùng như thế và sao nó lại bị lạm dụng như vậy, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Sinh học và Thực phẩm, trường đại học Bách khoa Hà Nội thì hiện nay, mì chính được sử dụng phổ biến trong bếp ăn của hầu hết mọi gia đình. Tuy nhiên, không phải người nội trợ nào cũng hiểu hết nguồn gốc của loại gia vị này. Mì chính, thực chất là một hóa chất với tên gọi Monosodium Glutamat "MSG". Tại các doanh nghiệp sản xuất mì chính, người ta áp dụng công nghệ vi sinh để trước hết tạo ra a-xít glu-tamic, sau đó dùng NaOH ở nồng độ cao sản xuất ra mì chính (là chất muối của a- xít glutamic). Mì chính được sử dụng để cải thiện vị, điều vị, tạo ra "ảo giác" làm hương vị các món ăn kém vị ngọt trở nên ngọt ngào, hấp dẫn hơn.

 

Một chuyên gia dinh dưỡng tại viện Dinh dưỡng lại khẳng định: Mì chính không hề có giá trị dinh dưỡng, thậm chí còn gây hại nếu bị lạm dụng. Nhiều người nội trợ gần như không dùng mì chính trong nấu ăn, bởi khi sử dụng, họ thường gặp các biểu hiện như căng thẳng, hoa mắt, nhức đầu và buồn nôn. Đây cũng được coi là phản ứng dị ứng với bột ngọt. Đặc biệt, đối với trẻ em, người già, phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa sử dụng bột ngọt trong khẩu phần ăn.

(Còn nữa)

Theo Người đưa tin

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE bột ngọt , hàng giả