Trước tình trạng nhiễu thông tin về nhãn mác, chất lượng khăn giấy ướt Babicare của Công ty Việt Úc không rõ ràng, cơ quan chức năng đang vào cuộc xử lý, nhiều siêu thị lớn trong nước đồng loạt rút sản phẩm này ra khỏi quầy bán hàng.
Giấy ướt babycare đang dính nhiều nghi vấn
Động thái đầu tiên là hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart cả nước đã tạm ngưng bán sản phẩm khăn ướt của Công ty CP thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc (Công ty Việt Úc). Theo một lãnh đạo của Sài Gòn Co.op Mart cho biết, để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và chờ ý kiến kết luận của cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm, toàn hệ thống siêu thị này sẽ ngừng phân phối các sản phẩm khăn giấy ướt của Công ty Việt Úc, trong đó có Babicare (hay còn gọi là Babycare), Teencare, Wondercare, Wecare.
Ngay khi Sài Gòn Co.op Mart có động thái này, nhiều siêu thị khác cũng lần lượt đưa khăn ướt Babicare của Công ty Việt Úc ra khỏi quầy hàng, chờ động thái từ cơ quan chức năng lên tiếng.
Nhiều siêu thị rút hàng khăn ướt của Công ty Việt Úc khỏi quầy hàng
Qua tìm hiểu của PV tại một số siêu thị, trung tâm thương mại như Lotte Mart, Metro, Maxi mart và nhiều cửa hàng tư nhân tự chọn hàng hóa cũng đã ngừng kinh doanh khăn ướt Babicare.
Còn theo một số người tiêu dùng đã từng sử dụng khăn ướt Babicare, hiện họ chưa thấy biểu hiện sức khỏe gì bất thường. Tuy nhiên trước thông tin "mập mờ" nhãn mác của sản phẩm, doanh nghiệp và cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình kiểm tra, chưa làm rõ, họ cũng lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở Khương Đình (Thanh Xuân – Hà Nội) đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi cho biết, thường xuyên sử dụng khăn giấy ướt, trong đó có cả sản phẩm Babicare.
"Mặc dù thấy khăn thơm và mềm nhưng cũng lo lắng vì không biết là mùi thơm đó có hại cho da hay không. Bây giờ thấy nói tới nhãn mác khăn này như vậy, rồi lại sản xuất ở Trung Quốc nữa, chẳng biết thực hư thế nào nhưng cũng ngại không dám dùng", chị Hoa cho biết.
Còn chị Ngọc Liên ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, đọc mạng thấy phản ánh sản phẩm này bị nói nhiều, tốt nhất chưa dùng vội. Đến các siêu thị còn không dám bán thì còn mua làm gì. Đợi các cơ quan chức năng kết luận xem ra sao, lúc đó dùng cũng không ngại.
Liên quan đến việc trên sản phẩm khăn ướt nghi của Công ty Việt Úc có sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài, một đại diện của Hội Mã số mã vạch Việt Nam cho biết, việc sử dụng mã số mã vạch là quyền của chủ thể quản lý nhãn hiệu và thương hiệu trên sản phẩm. Nếu là thương hiệu, nhãn hiệu của nước ngoài thì phải do doanh nghiệp nước ngoài quy định, đăng ký mã số mã vạch đó. Các doanh nghiệp ở các nước khác muốn sử dụng phải xin phép và báo cáo cơ quan quản lý chức năng. Từ đó, cơ quan chức năng đó mới thông báo, thẩm tra mã số, mã vạch đó, sau đó doanh nghiệp mới được dùng.
Cũng theo vị này, hiện quy định pháp quy của Việt Nam đề rõ tại Thông tư 16/2011/TT-BKHCN ngày 30-6-2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Điều 1 mục 4 khoản 2: Tổ chức khi muốn ủy quyền cho cơ sở liên doanh hoặc gia công chế biến sản phẩm của mình sử dụng MSMV đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp để in trên sản phẩm liên doanh sản xuất hoặc theo hợp đồng gia công chế biến, Tổ chức phải có văn bản ủy quyền (thư ủy quyền, hợp đồng sử dụng hoặc các hình thức ủy quyền khác) có xác nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và gửi cho đối tác liên doanh hoặc gia công chế biến sử dụng làm bằng chứng được ủy quyền.
Còn tại Điều 1 mục 4 khoản 3 cũng đề cập: Tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khi sử dụng mã nước ngoài để in trên sản phẩm của mình, phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được tổ chức là chủ sở hữu của Mã nước ngoài ủy quyền sử dụng Mã nước ngoài và phải thông báo việc sử dụng Mã nước ngoài với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bằng văn bản, gửi kèm theo bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng mã hoặc văn bản ủy quyền.
Khi các doanh nghiệp có nhưng sai phạm, đại diện Hội Mã số mã vạch Việt Nam cho rằng sẽ xử lý theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ, Điều 27 quy định mức phạt đối với hành vi Vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch, tại khoản 1, d) Không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ, Điều 27 quy định mức phạt đối với hành vi Vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch, tại khoản 3: Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc không được tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản.
Theo Vietq
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thu hồi thuốc giảm cân vì chứa chất cấm - 29/07/2015 06:12
- Kính râm Trung Quốc khiến người tham gia giao thông gặp tai nạn - 29/07/2015 05:09
- Người tiêu dùng cẩn trọng với bánh mì, bánh quy - 29/07/2015 04:49
- Triệt phá nhà máy Apple giả, tịch thu 41.000 iPhone nhái - 29/07/2015 03:03
- Kiểm tra xưởng sản xuất mỹ phẩm Jenny có dấu hiệu làm hàng giả - 29/07/2015 01:21
Các tin khác
- Úc tiếp tục thu hồi máy giặt Samsung vì lỗi gây cháy nổ - 27/07/2015 09:15
- Mỹ thu hồi 71.000 xe đẩy trẻ em do nguy cơ gây ngạt thở - 27/07/2015 08:33
- Keo gắn móng tay giả chứa chất gây ung thư - 27/07/2015 02:04
- Thu hồi đồ chơi xe đẩy của trẻ em do Trung Quốc sản xuất - 24/07/2015 02:38
- Thực phẩm chức năng "rởm" gắn mác hàng xách tay "xịn" - 21/07/2015 08:22