Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 14:54

Công ty Việt- Úc trong 12 năm đã lập lờ về xuất xứ hàng hoá để qua mặt cơ quan chức năng, không trung thực với chất lượng sản phẩm khăn ướt BabiCare cũng như các nhãn hiệu TeenCare, Wondercare, WeCare,... bán ra thị trường.


Quảng cáo của Úc bán sản phẩm xuất xứ... Trung Quốc?

 

Công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc (Công ty Việt-Úc) hiện sở hữu các nhãn hàng từ khăn ướt đến dầu tắm gội, nước giặt cho trẻ em, tuổi vị thành niên và gia đình như: BabiCare, TeenCare, WonderCare, WeCare... những sản phẩm này, đặc biệt là khăn ướt (khăn thơm) đã tồn tại trên thị trường Việt Nam 12 năm.

 

Dù luôn lên tiếng trong những vụ bắt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng song thực sự, nhãn hàng BabyCare của công ty này cũng không ít tai tiếng. Từ năm 2007, Công ty Việt Úc đã bị người tiêu dùng phản ánh sản phẩm này ghi nhãn phụ tiếng Việt "sản xuất bởi Công ty Wonder Care (Úc)" song thực tế bao bì in bằng tiếng Anh lại có thêm dòng chữ "Made in PRC".

 

Theo các chuyên gia về tiêu dùng và nhận diện thương hiệu hàng hóa, thường thì dấu hiệu "Made in PRC" đây là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Nghĩa là khi ấy, có thể khăn ướt bán ra thị trường không phải được sản xuất từ Úc như quảng cáo của đơn vị phân phối.

 

khanuot

 

Sau đó, Saigon Co.op đã thông báo kết quả kiểm tra về văn bản hợp pháp cho CLB Chống Hàng giả, xác nhận sản phẩm khăn ướt BabyCare thời điểm đó hàng chính hãng do Công ty Việt Úc đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc theo hình thức nhượng quyền thương hiệu với Công ty Richwell Import & Export có văn phòng tại Abbotsford VIC 3067 Australia.

 

Sau sự việc đó, Việt Úc đã sửa toàn bộ nhãn phụ tiếng Việt, ghi rõ nguồn gốc từ Trung Quốc. Trên bao bì khăn ướt WonderCare vẫn có dấu "Made in PRC" nhưng lại thể hiện mã vạch của Việt Nam. Thậm chí, trên nhiều sản phẩm mới đây, Việt Úc còn bỏ luôn cả ghi nguồn gốc xuất xứ trên nhãn phụ, chỉ ghi chung chung là "Sản phẩm của Công ty TPTM &DV Quốc tế Việt Úc".

 

Đối với sản phẩm khăn ướt bán chạy nhất của Việt Úc là BabiCare, loại thì ghi "Made in Singapore" sản xuất bởi công ty Kleen- Pak Products Pte.Ltd, loại thì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc song mã vạch thì rất lộn xộn, cái của Việt Nam, cái của Úc.

 

Nhượng quyền kiểu... "Úc"

 

Sau sự kiện bị phát hiện khăn ướt BabiCare "Made in PRC", vấn đề thực sự về thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ cả Việt Úc sau sự việc này bắt đầu lộ diện.

 

Theo một chuyên gia kinh tế, nhượng quyền thương hiệu có nghĩa là bên chuyển nhượng (chủ sở hữu hay bên được ủy quyền quản lý thương hiệu) đồng ý cho mượn hay thuê lại thương hiệu do mình sở hữu/quản lý và hệ thống kinh doanh bao gồm tất cả các cách thức quản lý, còn bên nhận chuyển nhượng sẽ chi trả khoản phí thuê thương hiệu và phí để được kinh doanh với tên và hệ thống của bên chuyển nhượng.

 

Như vậy, Richwell Import & Export phải là công ty có thật, đang hoạt động và là chủ sở hữu nhãn hiệu Babicare và nhãn hiệu này phải được đăng kí bảo hộ tại Australia và Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty Richwell Import & Export (đứng chủ sở hữu là một người Việt Nam) đã bị xoá tên trong hệ thống các công ty đăng ký tại Úc.

 

khan-uot-babycare-12-nam-qua-mat-co-quan-chuc-nang--lua-doi-nguoi-tieu-dung-2-tieudungplus

 

Nhãn phụ của mình, Việt Úc bỏ luôn ghi thông tin nguồn gốc xuất xứ


Tại Việt Nam, nhãn hiệu BabiCare được đăng ký cho các nhóm ngành 16 gồm: Khăn ăn bằng giấy ướt; khăn lau bằng giấy ướt; khăn giấy dùng một lần cho trẻ em; khăn giấy lau mặt; khăn giấy tẩy trang; khăn giấy lụa tẩy trang; 3 Mỹ phẩm; dầu gội đầu; sữa tắm; phấn rôm dùng cho trẻ em; xà phòng; dầu thơm (nước hoa) dùng cho em bé.

 

Nhóm ngành 10 gồm: Bình sữa; núm vú cao su cho trẻ em bú; núm vú dùng cho bình sữa; van điều chỉnh dùng cho bình sữa; núm vú giả (cho trẻ em ngậm)..... bởi chính công ty Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Úc.

Sẽ là rất vô lý khi Công ty Việt Úc trao toàn bộ quyền của mình đang nắm giữ đối với nhãn hiệu babicare cho công ty Richwell Import & Export sau đó tự mình đi thuê lại quyền sử dụng nhãn hiệu đó.Việc đặt tên công ty cũng như công bố các thông tin này gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng một cách "tinh vi" trong suốt 12 năm hoạt động của công ty này.

 

Trong khi Điều 139 luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cũng quy định rõ "Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

 

Theo Báo Pháp luật Việt Nam