Thứ năm, 26 Tháng 5 2022 08:13

Điều đáng nói, những sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng, vụ việc chỉ được phát hiện khi cơ quan chức năng kiểm tra mẫu sản phẩm hoặc có trường hợp người sử dụng nhập viện cấp cứu.

Tổn thương não vì cà phê giảm cân

Tháng 3 vừa qua, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (37 tuổi, trú ở Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện sau bốn ngày uống cà phê giảm cân.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc, cho hay theo lời kể của bệnh nhân, người này mua cà phê giảm cân từ giới thiệu của người quen với mong muốn giảm cân. Thế nhưng sau khi uống đến ngày thứ tư, chị bắt đầu rơi vào trạng thái bất tỉnh, co giật toàn thân và được đưa vào viện cấp cứu.

"Kết quả chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân đã bắt đầu bị tổn thương. May mắn chị đã được hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện.

Gói cà phê giảm cân còn lại của bệnh nhân đã được gửi tới Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm và kết quả cho thấy có chứa sibutramine, một thuốc giảm cân đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng", bác sĩ Nguyên thông tin.

Trước đó, tháng 1-2021, chị A. (43 tuổi, Quảng Ninh) vì mong muốn giảm cân, tin tưởng lời quảng cáo trên mạng, chị mua hai lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (100% từ thảo dược thiên nhiên Thái Lan) để uống. Sau một tháng chị A. giảm được 3kg nhưng sau đó chị bắt đầu buồn nôn và nôn ra máu tươi, máu đen và nhập viện cấp cứu.

Khi nhập viện (Trung tâm chống độc), từ một người hoàn toàn khỏe mạnh với trọng lượng 70kg, cao 1,60m, chị A. chỉ còn 35kg, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng. Bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau ba tháng nằm viện và điều trị, chị A. mới hồi phục dần trở lại cuộc sống bình thường.

"Điểm đen" nhóm hỗ trợ giảm cân, sinh lý và xương khớp

Điều đáng lo ngại là gần đây những thực phẩm chức năng chứa chất cấm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi nằm trong danh mục đã được cấp phép, có nơi sản xuất, nhà phân phối rõ ràng.

Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai về trường hợp ngộ độc chất cấm trong cà phê giảm cân, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã lấy mẫu sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia, kết quả cho thấy sản phẩm chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein.

Gần đây (ngày 19-5) Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiếp tục có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm với ba sản phẩm chứa chất cấm.

Cụ thể, sản phẩm Bổ hoàn dương plus, Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý và sản phẩm Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo không bảo đảm an toàn thực phẩm, chứa chất cấm sildenafil (hoạt chất có trong Viagra) và sibutramine (chất làm chán ăn đã bị cấm).

 

Các sản phẩm này đều được cơ sở chịu trách nhiệm phân phối, công ty sản xuất rõ ràng, và vẫn chứa chất cấm.

Cục An toàn thực phẩm cho biết theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu kiểm tra, giám sát của một số viện, địa phương phát hiện chất cấm trong sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm có chất cấm đã phát hiện chủ yếu thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân (chứa phenolphtalein, sibutramine), sinh lý (chứa chất ức chế PDE5 như sildenafil, tadalafil...), xương khớp (chứa diclofenac, corticoid...).

Sản phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi - Ảnh: Cục ATTP

Hậu kiểm mới ra chất cấm

Thực phẩm chức năng có xuất xứ rõ ràng vẫn chứa chất cấm có phải là chuyện lạ? Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng việc quản lý hiện tuân thủ theo quy định, cho phép đơn giản các thủ tục hành chính, việc quản lý tập trung vào công tác hậu kiểm.

Doanh nghiệp thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm, được cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm là được sản xuất, kinh doanh thực phẩm sức khỏe.

Khi có thay đổi (ngoại trừ các trường hợp thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo) thì tổ chức, cá nhân thông báo nội dung thay đổi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Do vậy, các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra các nội dung thay đổi này trong quá trình hậu kiểm.

"Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm khi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc này đã được cơ quan chức năng phát hiện khi kiểm tra, hậu kiểm các sản phẩm", vị này cho hay.

 

Đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin thêm theo quy định của pháp luật hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Cùng với việc xử lý hành chính và công khai vi phạm, Cục An toàn thực phẩm cũng chuyển hồ sơ cho công an để xem xét và xử lý theo Bộ luật hình sự. "Mới đây, chúng tôi đã chuyển một số hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý hình sự một số đơn vị sai phạm", vị này thông tin.

Giữ hóa đơn mua hàng làm bằng chứng

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua các sản phẩm cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Không nên lạm dụng sản phẩm thực phẩm chức năng

Theo bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thay vì lạm dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người dân nên thiết lập khẩu phần ăn hằng ngày phù hợp với nhu cầu để có sức khỏe bền vững.

"Ví dụ như bạn mong muốn giảm cân, bạn cần có một chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục. Nếu sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể sẽ giảm được cân. Tuy nhiên, việc giảm cân này là do tác động của việc rối loạn tiêu hóa, mất nước trong cơ thể, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đó là chưa kể đến việc hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm cân. Giữa "ma trận" như vậy để lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp với cơ thể không dễ", bà Lâm nói.

TTO - Với những quảng cáo "tung trời" về công dụng của thực phẩm chức năng, Dược phẩm Hoàng Hường đã bị công khai xử phạt. Sự "bát nháo" không hồi kết của thị trường này vẫn còn, đặc biệt khi nhu cầu phục hồi sức khỏe sau COVID-19 đang tăng cao.