Thứ sáu, 11 Tháng 6 2021 17:39

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý lo lắng về tình hình dịch bệnh của người dân để rao bán các sản phẩm phòng dịch COVID-19 trên một số trang thương mại điện tử và mạng xã hội như: kit xét nghiệm nhanh COVID-19, trang phục phòng dịch...

 

Nhiều mặt hàng không nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng đã bị bắt giữ

Bộ kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 được rao bán trên một số trang thương mại điện tử và mạng xã hội với lời quảng cáo: "Đây là 1 trong 2 bộ kit xét nghiệm được cấp phép bán tại hiệu thuốc nội địa của Hàn Quốc.

Một bộ gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút". Giá của bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 trên dưới 1 triệu đồng/kit, tuỳ nơi sản xuất. Người bán còn quảng cáo, nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách "dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả".

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ rao bán kit xét nghiệm nhanh COVID-19, nhiều đối tượng còn rao bán các mặt hàng chống dịch khác không rõ nguồn gốc trên mạng như khẩu trang y tế và nước sát khuẩn giá rẻ hơn so với thực tế ở các cửa hàng.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Cầu Giấy thực hiện khám xe ôtô đang dừng đỗ tại toà nhà Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trong xe ôtô có 400 hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19 Q Standard COVID-19 Ag Home Test loại 2 bộ/hộp có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ lô hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên.

Trước đó, đơn vị này cũng tạm giữ 29 hộp Test thử nhanh COVID-19 nhãn GICA Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassette For IVD Use Only tại cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 151 C3 Khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

 

Xử lý nghiêm hành vi rao bán sản phẩm phòng dịch giả trên mạng 

400 hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19 Q Standard COVID-19 Ag Home Test vừa bị QLTT Hà Nội tạm giữ.

Đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Liên quan tới sự việc các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 gần đây được bán trên mạng xã hội, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) nhận định, các kit xét nghiệm nhanh COVID-19 bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng. Mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên đã được tổng cục đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các cục QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng rà soát trên các sàn thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin về mặt hàng kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Tổng cục QLTT khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng”, đại diện Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Đề cập đến tình trạng các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được rao bán nói trên, chuyên gia y tế, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành.

Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm và tự xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Trước tình trạng này, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm thì người tiêu dùng cần cảnh giác với sản phẩm phòng dịch được rao bán trôi nổi trên mạng.