Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 10:41

Trong số hơn 11.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do lực lượng chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội phát hiện trong nửa đầu năm 2019 có tới 680 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Ảnh minh họa

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) đã kiểm tra 12.967 vụ, xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ với 11 đối tượng...

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố cho biết, hàng giả, hàng vi phạm SHTT được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn giả các thương hiệu và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Đồng thời, lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam đưa ra lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) gần 3.000 sản phẩm gồm đồng hồ, kính mắt, quần áo... giả các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Gucci, Adidas, Nike, Hermes, Louis Vuitton… Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài cũng như hàng Việt Nam chất lượng cao, ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tình trạng sản xuất hàng giả, giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu còn tồn tại ở một số cơ sở sản xuất, làng nghề của khu vực các huyện ngoại thành TP. Hà Nội như làng nghề sản xuất đồ giả da Thao Nội, huyện Phú Xuyên; gia công may mặc tại Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ...

Nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Chu Xuân Kiên kiến nghị, các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành, địa phương trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả.

Từ nay đến cuối năm, để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, chống buôn lậu trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố yêu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… đánh chặn từ xa hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm tại các cửa khẩu, vùng giáp ranh với các tỉnh biên giới, tránh tình trạng hàng lậu đổ về Hà Nội sẽ rất khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.