Thứ sáu, 03 Tháng 3 2017 10:39

Căn gác nhỏ có diện tích vỏn vẹn hơn 10m2 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3 - thành phố Hồ Chí Minh) là nơi cậu học trò khuyết tật Trần Phan Thanh Hải đang từng ngày nuôi dưỡng những ước mơ. Dù phải mang một cơ thể khuyết tật nhưng Hải luôn nỗ lực vượt lên chính mình, trở thành một học trò xuất sắc, một người con hiếu thảo và một tấm gương đầy nghị lực.

Đến trường trên đôi chân mẹ

Nhìn vào đôi chân khuyết tật của mình, cậu học trò Trần Phan Thanh Hải chia sẻ về tuổi thơ thấm đẫm nỗi buồn lo của cha mẹ. Vốn được sinh ra trong một gia đình tri thức nghèo, bố mẹ Hải đều là giáo viên trung học cơ sở.

Từng là cậu bé khôi ngô, khoẻ mạnh, Hải sớm biết nói, biết đi như những đứa trẻ đồng trang lứa. Với sự hiếu động có sẵn, Hải thường hay chơi đùa cùng đám trẻ trong khu tập thể. Thế rồi trong một lần nô đùa năm Hải lên 4 tuổi đã khiến cậu bị té ngã nhưng không ai hay biết. Một thời gian sau, Hải được mẹ phát hiện thấy đôi chân đi lại khập khiễng và thường hay kêu đau nên gặng hỏi, lúc ấy Hải mới kể lại cho mẹ nghe về cú ngã đó.

3Yeu thuong chap canh uoc mo 1

Chiếc giường chính là góc học tập và cũng là nơi Hải phát minh ra những ý tưởng sáng tạo khoa học nhằm hỗ trợ người khuyết tật

 

Lo lắng khi thấy đôi chân con sưng tấy, Hải được mẹ vội vã đưa đi khám. Mong mọi chuyện sẽ suôn sẻ và những tưởng chỉ một thời gian ngắn đôi chân Hải sẽ đi lại bình thường như trước, rồi một năm trôi qua, hai năm và ba năm ròng đưa Hải đi chữa trị nhưng tiền mất tật mang. Cú ngã tưởng chừng đơn giản ấy lại làm tổn thương lớp cơ chân, khiến đôi chân Hải bị teo cơ và dần dần bị liệt.

Mang nỗi thất vọng là người khuyết tật sau những chuỗi ngày dài cùng mẹ vật lộn tìm kiếm cơ hội chữa lành đôi chân không kết quả, một lần nữa Hải phải chịu thêm nỗi buồn khi cha em không may bị trượt ngã từ tầng 5 xuống đất, từ đó sức khỏe yếu đi nhiều và không thể làm việc nặng do di chứng gãy cột sống.

 

 

Khác với các bạn bè đồng trang lứa, lên 8 tuổi Hải mới bắt đầu bước vào lớp 1. Cũng bởi đôi chân khuyết tật nên hàng ngày Hải đến trường trên đôi chân của mẹ, nhưng không vì thế mà cậu học trò nghèo dựa vào khiếm khuyết cơ thể để bỏ bê việc học. Hải say mê học tập, chịu khó trau dồi kiến thức và với sự thông minh, sáng dạ, Hải luôn thể hiện là một học trò xuất sắc, được thầy cô yêu mến, bè bạn nể phục bởi những giải thưởng đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, huyện.

Tự tin với niềm đam mê công nghệ

Không ngừng nỗ lực vươn lên chinh phục những đỉnh cao tri thức, cậu học trò khuyết tật đã mạnh dạn tham gia cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X do Thành Đoàn tổ chức với đề tài Hệ thống cửa khóa trong, tự động mở khi có số điện thoại cho phép.

Thời điểm quyết định tham gia cuộc thi, Hải đã rất lo lắng khi Ban Tổ chức yêu cầu đề tài dự thi phải ứng dụng kiến thức tin học, lập trình các phần mềm lẫn kiến thức về điện dân dụng, vi mạch điện tử. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài và cậu học trò khuyết tật cũng không có kiến thức về vi mạch điện tử, tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, bè bạn và khát khao chinh phục niềm đam mê sáng tạo khoa học, hơn nữa là nỗ lực làm giảm bớt sự vất vả cho mẹ, đề tài của cậu học trò khuyết tật đã xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh giành giải Nhì cuộc thi.  

3Yeu thuong chap canh uoc mo 3

Cậu học trò khuyết tật giới thiệu mô hình robot hỗ trợ người bị bại liệt

 

Hải chia sẻ: “Đạt được thành quả trong nghiên cứu, sáng tạo khoa học ngày hôm nay nhờ có công ơn lớn lao của mẹ em, bởi mỗi ngày người mẹ yếu gầy đã không quản ngại khó nhọc, đều đặn cõng em lên xuống hàng trăm bậc cầu thang, từng ngày vun đắp những ước mơ bé nhỏ cho em. Cảm nhận nỗi vất vả, cơ cực của mẹ, em đã sáng chế ra hệ thống khóa, mở cửa tự động được lập trình dưới dạng sim điện thoại và thật vui khi đề tài của em đã đạt giải....

Cậu học trò khuyết tật cho biết thêm, hệ thống khoá, mở cửa dưới dạng sim điện thoại sẽ được kết nối với sim điện thoại thông thường của người chủ nhà. Thông qua thao tác gọi, người chủ có thể mở, đóng cổng khi đứng ở bất cứ nơi nào. Chỉ khi chủ nhà hoặc người thân đăng ký mới có thể dùng.

Sau giải Nhì cấp thành phố, Hải đang tiếp tục hoàn thiện nội dung về hình ảnh khách ngoài cổng hiện trực tiếp màn hình điện thoại, giúp chủ nhà dễ dàng nhận diện. Đây cũng là khâu chuẩn bị tiếp theo để Hải gửi đề tài ra Trung ương Đoàn tham dự giải cấp quốc gia với mô hình Robot hỗ trợ đa ngành nghề dành cho người bại liệt.

3Yeu thuong chap canh uoc mo 2

Hải xúc động khi được Nguyên Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hảitrao tặng Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

 

Với niềm đam mê công nghệ, say sưa với những mô hình sáng tạo, cậu học trò khuyết tật vẫn đang từng ngày luyện rèn tri thức để thực hiện ước mơ theo học ngành Kỹ thuật trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều hơn cơ hội theo đuổi đam mê sáng tạo khoa học. Dự định trong tương lai gần, Hải hy vọng sớm sáng chế ra bộ bàn chân, bàn tay giả nhằm mang lại tiện ích trong sinh hoạt cho người khuyết tật như tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, đi lại... và khao khát lớn nhất của Hải, đó chính là có thể kiếm tiền tự lập cuộc sống, đỡ đần kinh tế cho mẹ.

Thời gian gần đây, sau nhiều ngày tập trung cho mô hình sáng tạo robot trong cuộc thi cấp quốc gia khiến sức khoẻ của cậu học trò khuyết tật trường Trung học phổ thông Marie Curie yếu đi nhiều, di chứng căn bệnh bại liệt làm cột sống cong vẹo, tuy đã 16 tuổi nhưng thân hình nhỏ thó chỉ như học sinh lớp 5, thế nhưng sức trẻ vẫn đang luôn trỗi dậy trong Hải với những dự định sáng tạo khoa học, thoả sức với niềm đam mê cờ vua và tích cực tham gia các hoạt động Đoàn.

Nhờ sự nỗ lực trong thi đấu thể thao ở bộ môn cờ vua, Hải đã sưu tập cho mình một bộ Huy chương Vàng với 3 cá nhân và 1 đồng đội trong các Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc. Sau bao cố gắng vượt lên những rào cản của số phận, cậu học trò khuyết tật đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và được khen tặng là tấm gương Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp quận, thành phố năm học 2012 - 2013, 2014 - 2015.  


Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Trần Phan Thanh Hải , khuyết tật , học sinh

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi