Chủ nhật, 06 Tháng 9 2015 11:00

Thế là em thành sinh viên. Em là người đầu tiên trong nhà đỗ đại học. Bao đêm thức trắng bên bồ lúa nóng nực, bên chái bếp ám đen bồ hóng, em thở phào nhẹ nhõm vì những nỗ lực đã được đền đáp.

 

TaoTan.nhandao

Ảnh: Diệu Ái

 

Ba mẹ loay hoay bán nốt con bò còn lại. Gia tài cả nhà là hai con bò, lần trước, ba đã bán một con để cúng ông bà cho em đi thi và làm lộ phí. Người quê vẫn vậy, luôn có niềm tin rằng ông bà dù không biết chữ vẫn luôn phù hộ cho con cháu trong việc học hành. Những điều tâm linh nằm trong cốt cách và lề thói cũ xưa nơi đất làng tồn tại dài lâu từ đời này sang đời khác.

 

Em từng nghĩ mai này lớn, nhất định em sẽ rời xa nơi này. Rời xa cánh đồng thênh thang nắng cháy với bao nhọc nhằn trong từng mùa vụ. Xa con đường nhỏ hẹp đầy ổ gà xộc xệch, mưa vừa xuống đã lầy lội. Xa đàn heo chỉ chực kêu ca ồn ã khi tới giờ ăn mà em chưa kịp xắt chuối. Xa cái khoảng sân đầy lúa, mùa về phơi cứ phải chạy nắng chạy mưa. Em rời xa nơi này, giọng nói quê mùa mỗi khi lên truyền hình phải kèm dòng chữ phiên dịch ở dưới, nghe người ta cười cượt chê bai.

 

Em sẽ hồn nhiên sống như một người thuộc về thị thành xa lạ, vờ như quên mình từng lấm lem bùn đất. Vờ quên cái hanh nóng của cơn gió Lào khét lẹt, quên cái giếng nước phèn đục khiến bàn tay em chẳng thể nuột nà. Quên nền nhà xi măng ẩm thấp khiến gót chân em nứt nẻ. Em hân hoan bởi ý nghĩ vào thành phố, mỗi ngày đi qua những ngôi nhà cao vợi, đêm đêm ánh đèn đường vàng vọt tới sáng hôm sau. Những quán cà phê lấp lánh xập xình tiếng nhạc, siêu thị đông đúc mát lạnh, khu vui chơi náo nhiệt làm em nôn nóng và háo hức.

 

Thành sinh viên, em cũng muốn sắm sửa như người ta, có đủ đầy điện thoại, máy tính và xe cộ. Ba mẹ nghe mà chóng mặt, bao nhiêu chắt chiu từ trước đến nay không đủ cho em trau chuốt khi thành sinh viên. Đôi mắt ba khô khốc, lơ đãng nhìn vào cánh đồng phía trước, hệt như nhìn vào niềm tin bị héo hắt úa mòn đi. Mẹ càm ràm, thở dài tính nhẩm số tiền phải gửi cho em hàng tháng mà mắt mũi xô nhau dồn lại, bao nhiêu nhăn nhúm khắc khổ hiện ra mồn một.

 

Ngó quanh nhà một lượt, bất giác em hình dung lúc ở phố, em sẽ bị đóng khung trong những chật chội, khói bụi và tắc đường. Chợt nhớ ra, lâu lắm em mới được nằm đung đưa trên võng những trưa hè, được ngủ thả cửa để gió vô tư lùa vào tận cửa sau. Ở phố lúc nào cũng phải đề phòng và nghi hoặc, cửa then cài chặt. Sẽ có lúc em thèm và nhớ nhung mùi quê cũ, mùi lúa đơm bông, mùi rơm vụ gặt, thèm tắm mình trong cơn mưa chiều, thèm những đêm trăng sáng đi bắt ếch. Nhớ tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của ba mỗi đêm trở dậy lục đục ra đồng trổ nước. Nhớ đôi vai gầy guộc của mẹ mỗi khi gánh đôi triêng gióng ra chợ với đủ thứ rau củ từ vườn. Hình dung ra đấy, may sao em chợt nhớ những tảo tần.

 

Mẹ lặng lẽ gói ghém đủ thứ để em mang vào phố. Nào là trái mít vừa chín thơm lừng, chục trứng gà vừa ra khỏi ổ, vài ba ký gạo, dăm trái cây trong vườn. Em bần thần, thấy nghẹn ứ vì chẳng thể gói ghém những điều quen thuộc mà đem vào phố. Như mùi khói tỏa ra từ chái bếp, những buổi hoàng hôn buông vội có đàn chim dáo dác bay về tổ, hay miếng cơm cháy vàng đượm thơm mùi rơm, tiếng gọi trẻ về ăn cơm chiều, tiếng mẹ ơ hờ cất lên câu dân ca những đêm trăng vằng vặc...

 

Biết là không gói ghém được nên em lẳng lặng cất vào tim bằng yêu thương nhung nhớ.

 

Theo Dân trí

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE tảo tần , quê mẹ , nhà nghèo , đại học , thành thị

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi