Thứ hai, 31 Tháng 8 2015 22:00

Chồng cô khi ấy chỉ là công nhân trong công ty nơi bố cô làm Phó giám đốc. Vì mến bản tính cần cù thật thà, ông đã tác hợp cho đôi bạn trẻ, tạo điều kiện cho chú đi học lái xe, rồi làm tài xế cho ông.

 

TienBac.nhandao

Hình ảnh minh họa

 

Bố cô còn tạo điều kiện cho ông thông gia nhận các công trình, nên bố mẹ chồng cô cũng có của ăn của để. Đất ông cha để lại bố chồng cô chia cho các con mỗi người một mảnh, của vợ chồng cô thì được rộng hơn chút vì còn làm nơi thờ cúng tổ tiên.

 

Được sự giúp đỡ của bố mẹ và các anh chị đằng ngoại, vợ chồng cô dựng căn nhà khang trang trên đó, trong khi mấy bà chị chồng hầu như đã đem bán đi lấy tiền tiêu pha hết.

 

Đến khi bố cô về hưu thì ông bà theo con trưởng về Hà Nội. Cô ở lại, tiếp tục công việc của mình. Không lâu sau thì bố chồng cô bị cảm, chết. Lại chưa đầy một năm tiếp theo chồng cô cũng đột tử, qua đời.

 

Cô mất đi người chồng hiền lành nhất mực, các con cô mất người cha tận tụy luôn là tấm gương sáng, soi lối dẫn đường. Mẹ con cô đã như mất đến nửa con người, vậy mà ba bà chị chồng lại càng khiến họ thêm cực nhọc, khi quay ra tranh giành đất cát. Họ muốn "băm" nốt đám đất của nhà cô ra để chia bôi tiếp, trong khi bà cụ mẹ chồng thì đã lẫn cẫn.

 

Các chị chồng liên tục đến viện cớ thăm mẹ, để hòng soi mói, dò xét xem cô sơ hở cái gì, họ làm um thiên địa lên. Có khi cô vừa tắm, hoặc vừa cho bà cụ ăn xong, con gái sang đã thấy cụ thều thào: "Nó đã cho tôi ăn cái gì đâu, thật là cực kỳ", khiến cô vô cùng khổ tâm.

 

Anh chị cô bèn khuyên: "Có mảnh đất giành dụm được, thôi rẻ, đắt cũng cứ bán đi. Cô xin về hưu non, về Hà Nội thiếu gì việc làm. Đoạn bố mẹ anh chị cho thêm tiền mua lấy cái chung cư, sớm muộn thể nào bọn trẻ chả về đây học đại học".

 

Ai biết cũng động viên cô đi, suy nghĩ hết nhẽ, cô trả lời: "Đời con thôi cũng coi như là xong, nhưng còn con con, không thể vì mẹ nó hèn hạ mà lại khiến chúng phải rời bỏ quê hương, mất đi gốc rễ. Dù sao nó cũng là trưởng, sau này lớn, về quê có biết ai vào ai.Có ai còn nhớ đến mà chấp nhận nó không?".

 

Nghe thế mọi người cũng cho là phải, hóng được những lời gan ruột của cô mấy bà chị chồng như biết ngượng, không hầm hè tranh giành gì nữa.

 

Cô vẫn tần tảo chịu khó nuôi con, một mình chăm mẹ chồng đang ngày một lẩm cẩm. Mấy bà chị chồng lúc có việc cứ dài miệng ra kêu: "A, chúng tôi là gái, phải đi lo việc nhà chồng. Mợ là dâu con, được hưởng lộc, phúc của nhà chồng thì phải nỏ nom mọi việc là đúng rồi". Cô chẳng nề hà gì, vẫn cố nhịn trong khi các chị không làm nhưng cứ thích bài bác, kiếm cớ này khác, chê các kiểu.

 

Nghe đồn mẹ chồng cô cất rất nhiều vàng, có ai mà cho tiền bà thường cất kỹ. Sợ mang tiếng, cô cũng không bao giờ hỏi han, động đến, chỉ mấy bà chị chồng thi thoảng lại qua "nắn bóp" xem bà hở ra đồng nào thì để "cầm hộ".

 

Ngày bà mất các bà chị chồng xô đến, hăm hở mở chiếc hòm sắt bà vẫn giữ khư khư. Nghe đâu nhìn thấy những cây vàng đứng xếp hàng, có kẻ sáng lóa mắt, có người lại tối mắt vào. Họ lập tức im lặng, cẩn thận gói lại rồi vênh mặt bảo cô: "Mợ cứ lo việc cắt đặt thợ thuyền đám xá đi, để chúng tôi liệu tắm rửa cho cụ, cỗ bàn cũng để chúng tôi làm hết cho".

 

Mấy bà trẻ, cô của chồng cô, biết tin liền sang chỉ thẳng mấy bà chị chồng, nhiếc: "Các cô lo việc nhà chồng ấy. Anh chúng tôi mất rồi, có theo thì tôi theo cháu nối dõi của ông ấy, chứ tôi không theo các cô đâu mà hới mưng. Chắc không phải tự dưng đâu nhỉ?" Mấy bà chị chồng tẽn tò: "Thì vâng, để nhà mợ ấy lo tất lại tốt quá". Bà cô chồng sấn sổ: "Tao vừa nghe thằng Tốt nói là nhìn thấy rất nhiều vàng từ thời bố mày để lại đâu", thì mấy bà chị đã tót đi đằng nào.

 

Cô không buồn đả động gì đến chỗ vàng "bạc" ấy, chết có mang đi được đâu. Cô lo liệu đám tang chu đáo tươm tất cho vẹn nghĩa, trọn tình. Cô tin, người thân đang ở nơi xa xôi cách trở kia, đều đang hướng nhìn mình.Cô tự thấy không hổ thẹn, thế là đủ!

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi