Thứ bảy, 22 Tháng 8 2015 16:03

Nhiều tháng gần đây, người dân sống dọc sông Đà, sông Lô, sông Hồng (tỉnh Phú Thọ) thường xuyên thấy những chiếc tàu công suất lớn được cơi nới tạm bợ như những chiếc "chuồng" khổng lồ di động chở gỗ dăm "lặc lè" xuôi ngược mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý.

 

Theo tìm hiểu của PV báo, các tàu chở gỗ dăm xuất phát từ các tỉnh có rừng trồng nhiều bạch đàn, keo làm nguyên liệu sản xuất giấy như Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ. Chỉ cần đứng khu vực xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) - nơi giao thoa của 3 con sông là sông Hồng, sông Lô và sông Đà - có thể dễ dàng bắt gặp những con tàu chở gỗ dăm quá tải, "lặc lè" qua lại hàng ngày, xuôi về Hà Nội.

 

HBT-ATGT39

Những chiếc tàu công suất lớn được cơi nới tạm bợ để chở gỗ dăm

(gỗ được băm nhỏ từ cây bạch đàn, keo đã được bóc vỏ - PV).

 

HBT-ATGT39.1
Một bãi tập kết gỗ dăm trên sông Đà.

 

HBT-ATGT39.2
Gỗ dăm được chất đống lên những chiếc tàu công suất lớn.

 

HBT-ATGT39.3
Chiếc tàu BKS thuộc tỉnh Phú Thọ đang "ăn hàng".

 

HBT-ATGT39.4

 

Trao đổi với chúng tôi, chủ một số tàu thuyền thường xuyên xuôi ngược sông Hồng, sông Đà cho biết một lượng lớn gỗ dăm có nguồn gốc từ ở xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Vùng rừng núi này là nơi tập trung nguồn nguyên liệu là bạch đàn, keo với số lượng rất lớn và có rất nhiều doanh nghiệp thu mua lâm sản để cung cấp cho các nhà máy sản xuất giấy hoặc băm nhỏ thành gỗ dăm xuất khẩu. Việc thu mua gỗ nguyên liệu và sử dụng máy móc băm nhỏ gỗ được diễn ra dọc theo sông Lô.

 

HBT-ATGT39.5
Những chiếc tàu được cơi nới thủ công vẫn vô tư xuôi ngược mỗi ngày.

 

HBT-ATGT39.6

 

Được biết, ngoài sông Hồng, sông Đà, sông Lô thì hiện nay việc chở gỗ dăm với phương thức cơi nới tương tự cũng diễn ra trên sông Bôi (thuộc địa phận huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình). Chủ một cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho biết tất cả những con tàu này đều có đích đến là cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Gỗ dăm sau khi được tập kết ở Cái Lân sẽ được đưa lên tàu lớn xuất khẩu đi Trung Quốc.

 

HBT-ATGT39.7

 

Những chiếc tàu có công suất lớn, được cơi nới bằng hệ thống cây chống, rào lưới cao hơn mặt boong tàu khoảng 1-1,5m. Nhiều tàu dăm gỗ được chất cao hơn cả phần cơi nới và không được che đậy trong khi vận chuyển. Theo chuyên gia tàu biển, việc chở hàng như thế này nếu chẳng may gặp giông bão sẽ rất nguy hiểm.

 

HBT-ATGT39.8

 

Trao đổi với PV Dân trí chiều 21/8, ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) - cho biết đã nắm được sự việc này qua dư luận nhân dân phản ánh. Theo ông Học, các tàu chở gỗ dăm xuất phát từ nhiều tỉnh phía Bắc, chạy dọc theo các con sông để tiến về cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Việc kiểm soát tàu chở hàng thuộc trách nhiệm của các cảng và CSGT đường thủy. Tuy nhiên nếu các tàu chở gỗ này mua hàng từ các bến cảng tự phát do doanh nghiệp lập ra thì rất khó để kiểm soát. "Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) về vấn đề này. Sắp tới Bộ Giao thông vận tải sẽ họp bàn để có kế hoạch phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra và kiên quyết xử lý những tàu cơi nới trái quy định, chở hàng không đảm bảo an toàn"- ông Học nói.

Theo Dân trí