Thứ ba, 30 Tháng 6 2015 10:47

6 tháng đầu năm 2015, số người chết do TNGT trên toàn quốc tiếp tục giảm 211 người so với cùng kỳ năm trước

62-0620

 

Kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe là một trong những biện pháp hiệu quả giảm thiểu TNGT - Ảnh: K.Linh

 


Tiếp theo đà giảm số người chết do TNGT trong năm 2014 (lần đầu tiên xuống dưới con số 9 nghìn người), 6 tháng đầu năm 2015, số người chết do TNGT trên toàn quốc tiếp tục giảm 211 người so với cùng kỳ năm trước.

 

Kiểm soát chặt xe tải, nồng độ cồn

 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, kế hoạch ATGT năm 2015 là "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng" được các ngành, địa phương duy trì tích cực. Hai ngành Công an và GTVT đã triển khai quyết liệt kế hoạch phối hợp, đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng lưu động theo chế độ 24/24h và tích hợp qua phần mềm giám sát quản lý dữ liệu tải trọng xe. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN lập 9 đoàn kiểm tra, xử lý xe chở quá tải tại 63 tỉnh, thành. Việc kiểm soát tải trọng xe cũng được triển khai từ các đơn vị đăng kiểm xe, các đầu mối cảng biển, đường thủy nội địa, kho bãi, doanh nghiệp nguồn hàng cũng cam kết...

 

Sự đồng bộ trong kiểm soát tải trọng giúp ngăn chặn, xử lý nạn chở quá tải, tự ý cơi nới thành thùng xe tải trên diện rộng, cơ bản xóa được các "hung thần" xe tải vốn diễn ra từ nhiều năm trước, giảm nguy cơ TNGT mà loại phương tiện này gây ra. "Các Thứ trưởng Bộ GTVT đích thân đến làm việc, kiểm tra tình hình thực tế kiểm soát xe quá tải tại các địa phương. Có địa phương trực tiếp Bí thư, Chủ tịch tỉnh thị sát hiện trường, chỉ đạo xử lý xe quá tải. Nhờ đó, công tác kiểm soát xe quá tải, bảo đảm TTATGT tại nhiều địa phương được thực hiện có hiệu quả hơn", ông Khuất Việt Hùng cho biết.

 

Theo Ủy ban ATGT, hai chuyên đề quan trọng khác là kiểm soát nồng độ cồn và đội MBH cho trẻ em được triển khai đồng loạt trên toàn quốc cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Từ hai chiến dịch này, công tác kiểm soát nồng độ cồn đã được tăng cường trên các tuyến đường tỉnh, huyện và trở thành nội dung kiểm tra thường xuyên. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em được người lớn đội MBH khi ngồi trên xe máy, qua khảo sát tại ba đô thị là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM tăng từ 38% tại thời điểm năm 2014 lên 68% vào tháng 5/2015.

 

Siết trách nhiệm doanh nghiệp

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cũng được đổi mới theo hướng tổ chức thành các chủ đề, chủ điểm phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền. Có thể kể đến các chương trình Ngày hội ATGT khu vực miền núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, Ngày hội ATGT các dân tộc Tây Nguyên, Xây dựng mô hình làng chài ATGT, cuộc thi Giao thông thông minh qua internet, mô hình kinh doanh bia rượu và ATGT... Công tác tuyên truyền ATGT trong thời gian qua do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức cũng thu hút được nguồn lực lớn từ xã hội hóa, được nhiều doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ kinh phí tài trợ hơn 100 nghìn chiếc MBH, phao cứu sinh, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho gia đình nạn nhân TNGT, hàng trăm suất học bổng, giải thưởng các cuộc thi... Các quà tặng ATGT đó thể hiện trách nhiệm, sự gắn kết xã hội, cũng như tác động lan truyền đến các thành phần xã hội khác nhau trong việc giữ gìn trật tự ATGT.

 

Trong khi đó, theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền pháp luật ATGT, Cục CSGT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, CSGT toàn quốc đã xử phạt hơn 2,038 triệu trường hợp vi phạm Luật GTĐB và hơn 94 nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ, trong đó tập trung chủ yếu là các lỗi vi phạm nguy hiểm như chở quá tải, quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, nhất là đối tượng xe khách, xe tải... Cùng với xử lý mạnh, lực lượng CSGT cũng trực tiếp vận động, yêu cầu DN vận tải ký cam kết không chở quá tải, chấp hành quy định pháp luật về ATGT. Điều này giúp tác động hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của DN trong quản lý, chịu trách nhiệm công tác ATGT.

 

Đề cập giải pháp giữ gìn TTATGT trong thời gian tới, ông Khuất Việt Hùng cho biết, sẽ tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của DN vận tải trong quản lý ATGT. Cùng với việc giám sát, xử phạt vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, sẽ siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về hành vi thiếu trách nhiệm trong tổ chức kinh doanh vận tải. Việc làm này nhằm để chủ DN phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc tổ chức vận tải, thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe lái xe, bảo đảm an toàn phương tiện... Đồng thời, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát, xử lý chặt hơn các hành vi là nguy cơ trực tiếp gây TNGT như quá tốc độ, quá nồng độ cồn..

 

"Trong đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý VPHC trong lĩnh vực ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ đề nghị tăng chế tài xử phạt với các hành vi "gốc" gây ra TNGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn; tăng mức phạt tiền và mức phạt bổ sung đối với DN vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

 

Theo Báo Giao thông