Thứ sáu, 12 Tháng 7 2024 11:26

Luật Trật tự, ATGT vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bổ sung thêm một số quy định mới mà lái xe cần lưu ý.

Tăng độ tuổi lái xe

Điều 59, Luật trật tự ATGT đường bộ mới nhất, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;

Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;

Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;

Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;

Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;

Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, độ tuổi tối đa của lái xe trên 29 chỗ trong Luật trật tự ATGt đường bộ mới nhất tăng 5 tuổi đối với nữ và tăng 2 tuổi đối với nam (trước đây nữ 50 tuổi và nam 55 tuổi).

Thêm nhiều quy định mới với lái xe từ 1/1/2025 - Ảnh 1
 Thêm nhiều quy định mới với lái xe từ 1/1/2025.

Theo các chuyên gia giao thông và đại diện một số đơn vị vận tải, việc tăng độ tuổi tối đa đối với người hành nghề lái xe dành cho xe chở người trên 29 chỗ, không kể chỗ người lái xe là phù hợp, bởi so với trước đây điều kiện sức khỏe của người Việt Nam hiện đã được nâng cao.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã đề xuất tăng tuổi lái xe hạng E và FC lên cao do người càng có thâm niên cao lái càng an toàn.

Hơn nữa, số lượng lái xe có GPLX hạng E và FC đang thiếu và việc tuyển lái xe cũng rất khó khăn khiến nhiều DN chịu cảnh thiếu hụt lao động. Trong khi đó, nếu phải giải nghệ ở độ tuổi 55 là thiệt thòi đối với những người có sức khoẻ và đang trong độ tuổi lao động.

Mặt khác, hiện nay, xe ô tô đã áp dụng nhiều công nghệ mới, điều kiện làm việc của người lái xe cũng đỡ nặng nhọc hơn.

Vì vậy, điểm mới này được kì vọng khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2025 sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho doanh nghiệp, đồng thời mở thêm cơ hội cho lái xe để được lao động khi còn sức khoẻ.

Thời gian làm việc không quá 48h/tuần

Bên cạnh việc tăng độ tuổi đối với lái xe, Luật Trật tự ATGT cũng có điểm mới tại Điều 64 về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.

Luật quy định, thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật trật tự ATGT mới nhất vẫn giữ nguyên quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ 1 ngày; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.

Tuy nhiên, Luật TTATGT bổ sung quy định thời gian làm việc của người lái xe không quá 48 giờ 1 tuần.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ của lái xe chiếm tới 30% tổng các vụ TNGT trong một năm. Điều này chứng tỏ, buồn ngủ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Mà việc buồn ngủ của lái xe thông thường do lái đường dài liên tục nhiều giờ (quá 4 giờ) gây ra tình trạng mệt mỏi.

Một số lái xe do không có người đổi lái buộc phải lái xe thâu đêm dẫn đến tình trạng ngủ gật và không làm chủ tay lái. Chưa kể, lái xe cũng được xem là nghề vất vả khi phải đối diện với tiếng ồn lớn từ còi xe, phương tiện giao thông, tiếng rung của máy móc....Việc không làm quá 48h/tuần giúp tài xế có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. 

Để hạn chế TNGT, bên cạnh việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người lái xe thì phải quan tâm đến sức khoẻ tinh thần, thể chất và điều kiện làm việc của lái xe nhất là lái xe tải, xe khách, xe container…

Bên cạnh đó, cần có sự kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ của lực lượng chức năng đối với các cơ sở xe khách, xe tải; có chế tài xử lý nghiêm khắc, xử phạt nặng các DN không đảm bảo quyền lợi về thời gian làm việc, nghỉ ngơi cho lái xe.