Thứ ba, 23 Tháng 2 2021 19:06

Tuyến đường vành đai 3, Hà Nội vẫn quá tải nghiêm trọng, ùn tắc liên miên. Do đó cần sớm triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5.

 

hà nội: sau khép kín, đường vành đai 3 vẫn ùn tắc vì đâu?

Đường Vành đai 3 thường xuyên ùn tắc, ken đặc ô tô

 

Bộ GTVT đã hoàn thiện nốt 5km đoạn trên cao từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long giúp Hà Nội cơ bản khép kín đường Vành đai 3 trên cao. Tuy nhiên, hiện tuyến này vẫn quá tải nghiêm trọng, ùn tắc liên miên...

 

Ùn tắc do quá tải 2,5 lần

 

Những ngày đầu tháng 1/2021, sau hơn 4 tháng sửa chữa, cầu Thăng Long chính thức thông xe, cùng với 5km đoạn trên cao từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long được khánh thành đã cơ bản khép kín tuyến đường Vành đai 3 (VĐ3) Hà Nội, trở thành một trong những tuyến giao thông trục chính quan trọng của Thủ đô.

 Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông, dù cơ bản được khép kín song đường VĐ3 trên cao vẫn thường xuyên ùn tắc. 17h chiều 17/2, ngày đầu đi làm sau nghỉ Tết, trong khi nhiều tuyến khác thưa vắng thì nhiều đoạn trên tuyến VĐ3 ùn tắc nghiêm trọng. Đoạn từ nút giao Pháp Vân đến nút giao Thanh Xuân, hàng trăm ô tô nối đuôi nhau kéo dài gần 3 km. Nhiều xe tải, xe khách từ 16 chỗ trở lên nhích từng mét trong làn khẩn cấp.

Cảnh ùn tắc còn xuất hiện từ đoạn cuối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm khi lượng lớn ô tô bị dồn lại tại đây.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng (quận Hoàng Mai) phản ánh: “Cơ quan tôi ở Phạm Văn Đồng nên thường xuyên lưu thông trên đường VĐ3. Ngày nào cũng phải xếp hàng chờ đợi do thường xuyên bị ùn ứ, nhất là khi có va chạm hoặc tai nạn thì “chôn chân” hàng giờ không thoát được”.

Vào giờ tan tầm buổi chiều, theo hướng từ trung tâm Hà Nội đi cầu Thanh Trì, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn, phần lớn do xung đột ở các điểm lên cầu như nút giao Trung Hòa, Nguyễn Trãi...

Theo nhiều tài xế, ùn tắc triền miên trên tuyến đường này do mật độ phương tiện lưu thông cùng hướng quá lớn, trong khi nhiều xe tải trọng lớn, xe khách đi vào giờ cao điểm rồi xuống các nút giao không tuân thủ làn đường, đón, trả khách trên cầu dẫn đến xung đột giao thông, dồn ứ.

Mới đây, Ban Duy tu (Sở GTVT Hà Nội) đã dùng máy đếm xe, kết quả cho thấy, mật độ lưu thông phương tiện trên đường VĐ3 khoảng 5.000 lượt/ giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn.

“Đây là nguyên nhân khiến tuyến đường này ùn tắc và thường xuyên xảy ra TNGT”, lãnh đạo Ban Duy tu đánh giá và đề xuất Sở GTVT Hà Nội giảm tốc độ khai thác của đường VĐ3 trên cao, đoạn từ nút giao Pháp Vân đến cầu vượt Mai Dịch và ngược lại từ 80 km/h xuống 60km/h để bảo đảm ATGT.

 

Lên phương án đầu tư đường vành đai 3,5

 

hà nội: sau khép kín, đường vành đai 3 vẫn ùn tắc vì đâu?

Đường Vành đai 3 quá tải, tại các nhánh lên xuống thường xuyên ùn tắc

 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường VĐ3,5 là tuyến kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Hoài Đức...

Tuyến VĐ 3,5 chia làm 4 đoạn gồm: từ Pháp Vân đến trục Xa La - Thanh Hà; từ đường trục phía Nam đến Đại lộ Thăng Long; từ Đại lộ Thăng Long đến QL32; Các phần còn lại và cầu Thượng Cát.

“Từ nay đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch. Riêng với tuyến VĐ3,5 Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành đoạn Đại lộ Thăng Long - QL32 và tiếp tục đầu tư các đoạn từ QL5 kéo dài đến cầu Thượng Cát; cầu Thượng Cát - QL32; nút giao Đại lộ Thăng Long”, ông Viện nói.

Cũng theo ông Viện, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương liên quan nghiên cứu triển khai tuyến VĐ4 và VĐ5 nhằm tăng khả năng kết nối và lan tỏa tới các địa phương trong vùng Thủ đô.

Đại diện UBND huyện Hoài Đức thông tin thêm, hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường VĐ 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long, địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức đến điểm cuối nối với QL32 đang được triển khai. Đoạn đường dài 5,6 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 10/2017, đến nay đã hoàn thiện GPMB và thi công được khoảng 50%.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường cho rằng, khi làm đường VĐ3,5 sẽ chia sẻ lưu lượng với đường VĐ3. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xác định cụ thể mục đích vì sao phải làm đường VĐ3,5. Nếu định khai thác quỹ đất ở xung quanh khu vực thì buộc phải có kết cấu hạ tầng, các nhà đầu tư bất động sản phải bỏ vốn ra.

“Khi đã xác định được mục đích chính mới xác định được nguồn vốn đầu tư phải huy động từ đâu, các nhà đầu tư khai thác quỹ đất có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia làm hạ tầng”, TS. Long nói.

 

Năm 2021 cần 24 tỷ đồng duy tu đường VĐ3

Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT liên quan đến đường VĐ3 mới đây, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, khối lượng công tác bảo trì đường VĐ3 trên cao trong các năm vừa qua khá lớn, tập trung chủ yếu ở các hạng mục: Thảm mặt đường sửa chữa hư hỏng, lún võng trên đường, cầu cạn; sửa chữa thay thế các khe co giãn hư hỏng trên cầu cạn, cầu Thanh Trì; sơn kẻ duy trì tổ chức giao thông…

“Kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì hiện nay bao gồm cả cầu Thanh Trì, các cầu nhỏ, cầu cạn và đường gom, gói thầu từ quý III/2018 - IV/2020 là hơn 27 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021 cần thêm khoảng 24 tỷ đồng để duy tu tuyến đường VĐ3”, ông Tuấn cho hay.