Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức cho rằng, người dân muốn thoát nghèo phải đóng góp ngày công lao động, hiện vật. Người giỏi phải cùng làm với người nghèo.
Lần đầu áp dụng toàn diện chuẩn nghèo đa chiều
Trao đổi về các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều.
Trước đây, Việt Nam mới chỉ áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tức là trong hộ nghèo đã có hai nhóm được xác định: Một là nhóm dưới chuẩn thu nhập, hai là nhóm vừa dưới chuẩn thu nhập vừa thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
"Bên cạnh việc áp dụng đầy đủ toàn diện chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta còn lần đầu tiên xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính bình quân cả nước.
Theo Tổng cục thống kê công bố, khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng. Không phải nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng theo chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu.
Đây là bước tiến mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong xây dựng chính sách giảm nghèo", ông Đức chia sẻ.
Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, ngoài quy định về chuẩn mức sống tối thiểu khu vực nông thôn hay thành thị là thiếu hụt chính, chúng ta còn có tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đa chiều gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.
Hộ nghèo của giai đoạn từ năm 2022 được xác định là hộ nghèo đa chiều chứ không còn đơn thuần nghèo và thiếu hụt thu nhập. Từ đó, các chính sách giảm nghèo sẽ được xây dựng tùy theo mức độ thiếu hụt thu nhập, dịch vụ xã hội cơ bản khác nhau của từng hộ nghèo, từng địa phương.
Nhắc đến những khó khăn và thách thức khi áp chuẩn nghèo mới, ông Đức cho biết, đến năm 2022, tổng tỉ lệ nghèo đa chiều cả nước là 9,35%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 5,2% và tỉ lệ hộ cận nghèo là 4,15%. Khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có tỉ lệ nghèo cao nhất. Phần lớn nằm ở nhóm đồng bào dân tộc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đa phần người nghèo thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu việc làm, thậm chí có vốn nhưng không biết cách làm ăn. Ngoài ra, nguồn lực bố trí dàn trải, manh mún không tạo lực đẩy, đột phá mới mẻ để người dân thực sự thoát nghèo.
Để hóa giải khó khăn, thách thức này, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho rằng cần thay đổi suy nghĩ "nghèo từ tư tưởng" của người dân.
"Đời ông nghèo, đời bố nghèo cho đến đời mình vẫn nghèo nên nhiều người nghĩ "nghèo là đương nhiên", từ đó sinh ra suy nghĩ "nghèo không có gì lạ, xung quanh nhiều người cũng vậy".
Để xóa được tư tưởng này, người giỏi phải cùng làm với người nghèo chứ không để người nghèo tự làm với nhau. Người dân muốn thoát nghèo phải góp ngày công lao động, hiện vật, thậm chí là kinh phí", ông Đức nêu quan điểm.
Giảm nghèo ở mọi nơi, mọi đối tượng
Theo Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, cùng với sự thay đổi về chuẩn nghèo, trong giai đoạn 2021-2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước.
Ngay trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất rõ là chúng ta phải giảm nghèo thực chất. Các giải pháp giảm nghèo phải tập trung triển khai đồng bộ đảm bảo 3 yếu tố: Đa chiều, bao trùm và bền vững.
"Giảm nghèo đa chiều là tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo bao gồm thiếu hụt về thu nhập và sáu chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo nghị định của Chính phủ đã quy định.
Giảm nghèo bao trùm là hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, mọi đối tượng, ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt. Cứ ở đâu có người nghèo là có các cơ chế chính sách hướng tới giảm nghèo, không để ai bị bỏ phía sau, không để lọt đối tượng.
Giảm nghèo bền vững, tức là giúp cho người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Không phải để người nghèo thoát chuẩn nghèo hôm nay nhưng mà ngày mai khi gặp dịch bệnh, thiên tai, những lý do bất khả kháng thì quay lại trở lại nghèo.
Thực sự người nghèo phải thoát nghèo, có thể vươn lên, xây dựng một cuộc sống ấm no, xây dựng sinh kế, việc làm và thu nhập bền vững", ông Đức giải thích.
Trước câu hỏi làm thế nào để không chồng chéo đối tượng, chính sách và lãng phí nguồn lực trong việc thực hiện các chương trình như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và xóa đói giảm nghèo bền vững, ông Đức giải thích, 3 chương trình nói trên được tiếp cận góc độ khác nhau.
Trước hết, chương trình giảm nghèo tiếp cận theo đối tượng, cứ ở đâu có người nghèo thì cơ chế chính sách giảm nghèo đều tìm đến, dù người nghèo ở đâu ở thành phố, ở nông thôn hay ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số hay người Kinh.
Còn đối với chương trình dân tộc thiểu số miền núi thì là đây là chương trình tiếp cận theo địa bàn, tức là những địa bàn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao.
Chương trình nông thôn mới cũng tiếp cận theo địa bàn nhưng theo hướng tập trung xây dựng các tiêu chí phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội…
"Việc thực hiện không trùng đối tượng này hoàn toàn làm được vì từ Chính phủ, tỉnh đến huyện, xã đều chỉ có một ban chỉ đạo chung của cả 3 chương trình. Việc lập danh sách, đối tượng nhận hỗ trợ đều do ban chỉ đạo chung của cấp xã, cấp huyện lập dự toán đối tượng, kinh phí hỗ trợ và có thể đảm bảo không trùng lắp.
Nếu địa phương nào lập danh sách một đối tượng mà lại nhận cùng một chế độ của cả hai chương trình thì là vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Đức nói.
Tin mới
- 4 trường hợp không được rút bảo hiểm xã hội một lần - 27/10/2022 07:03
- Hà Nội rà soát những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời - 26/10/2022 02:36
- Đẩy mạnh các giải pháp phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, y tế - 26/10/2022 02:33
- ĐBQH đề nghị cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành y tế - 24/10/2022 06:58
- Ngành đường sắt hướng dẫn thanh toán khi đặt mua vé online tàu Tết Quý Mão - 23/10/2022 23:18