tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Đồ họa: Nguyễn Tường
Ngang nhiên tháo hộ lan, đấu nối trái phép
Ghi nhận tình trạng người dân vô tư tháo tấm chống lóa, dỡ hộ lan đấu nối trái phép vô tội vạ dọc tuyến QL1 qua địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tại vị trí Km 1578+800 (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), một cây xăng của Công ty TNHH Thương mại Thái Nhã với diện tích hàng nghìn mét vuông được xây dựng sát bên đường. Lối đi vào cây xăng có chiều dài khoảng 150m đấu nối trực tiếp vào QL1.
Theo hồ sơ xây dựng, cây xăng này được địa phương cấp đất nằm ngoài hành lang an toàn QL1. Thế nhưng, để san lấp mặt bằng và xây dựng cây xăng, chủ doanh nghiệp Thái Nhã đã lấp đất vào lộ giới hành lang, đấu nối trực tiếp vào QL1 khi chưa có giấy phép đấu nối. Từ tháng 1/2019, Chi cục QLĐB IV.1 (Cục QLĐB IV) đã lập biên bản đình chỉ việc thi công cây xăng, sau đó cũng đã ra quyết định xử phạt 47 triệu đồng với chủ doanh nghiệp Thái Nhã. Tuy nhiên, đến nay, cây xăng đã xây dựng hoàn thiện, chủ cây xăng vẫn… đang làm các thủ tục xin phép đấu nối vào QL1.
Ở Km 1571+460, bên trái tuyến hướng Bắc - Nam đoạn qua thôn Văn Lâm, xã Phước Nam (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), hàng chục mét dải hộ lan “biến mất”. Phía sau biển quảng cáo cơm gà Minh Hằng là bãi đất rộng hàng nghìn mét vuông đã được san lấp đổ đất, cát lấn ra sát mép QL1. Nguy hiểm hơn, đoạn đường này tiếp giáp qua khu dân cư mật độ xe cộ đông. Người đi xe máy vào ban đêm nếu không chú ý né tránh gấp dễ lạc tay lái xảy ra tai nạn. Người tự ý tháo dỡ 40m hộ lan này là ông Nguyễn Minh Thanh.
Cuối tháng 3/2019, UBND xã Phước Nam cùng Cục QLĐB IV đã lập biên bản, yêu cầu ông Thanh phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của dải hộ lan, tuy nhiên, đến nay, vi phạm vẫn chưa được khắc phục.
Trước đó, tại khu vực xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, nơi khúc cua một bên là biển, một bên là núi rất nguy hiểm cho phương tiện khi lưu thông qua đây. Thế nhưng, tháng 2/2019, Cục QLĐB IV phát hiện chủ nhà hàng Biển Vĩnh Hảo 2 tháo dỡ đoạn hộ lan dài 20m để đấu nối ra QL1. Những chiếc xe lưu thông từ Nam ra Bắc qua đoạn đường này rất có thể lao thẳng vào nhà hàng vì hộ lan đã bị tháo dỡ. Cơ quan chức năng sau đó đã lập biên bản, xử phạt chủ nhà hàng này 10 triệu đồng và yêu cầu lắp lại dải hộ lan QL1.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Dọc theo hai bên tuyến đường nhiều công trình đã và đang thi công. Hầu hết các công trình này đều đấu nối thẳng ra tuyến đường tránh. Có những công trình bám mặt đường tuyến đường tránh dài cả trăm mét, ví dụ như: Đoạn qua cầu vượt Thạch Linh (thuộc phường Thạch Linh); đoạn phía Nam cầu Đông 2 (Km 6+412), doanh nghiệp cắt cả một đoạn tôn hộ lan để đấu nối cho xe vận chuyển vật liệu xây dựng ra vào… Ngoài đấu nối bằng đắp đất, đá; nhiều công trình đã hoàn thành, doanh nghiệp bê tông hóa luôn đoạn đấu nối từ nhà xưởng ra mặt đường tránh…
Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.3 cho biết: Theo thống kê, từ tháng 11/2016 đến nay (6/4/2019) có 14 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đấu nối vào tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh. Trong đó, có 3 đơn vị đã được cấp giấy phép; 5 đơn vị nâng cấp đường dân sinh cũ; 1 trường hợp thiếu thủ tục. Còn lại, 5 trường hợp tự ý san lấp mặt bằng và đấu nối trái phép trong HLATĐB.
“Sau khi phối hợp với chính quyền sở tại lập biên bản làm việc, chi cục đã bàn giao cho chính quyền xử lý theo đúng trách nhiệm quản lý HLATĐB chứ chưa xử phạt trường hợp nào về đấu nối trái phép. Mới đây, chi cục đã có văn bản báo cáo tình hình vi phạm gửi Cục QLĐBII và lưu ý có 3 trường hợp cần đưa vào kế hoạch thanh tra độc lập”, ông Giang cho biết.
Hiệu quả xử lý không cao
và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Ông Phạm Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Đường bộ IV.6 cho biết, dọc tuyến QL1 đi qua địa bàn một số tỉnh miền Tây như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng có nhiều dạng đấu nối, kể cả các đường xuyên trục đi qua các thành phố đã tồn tại từ xưa đến nay.
“Qua nhận diện, các điểm đấu nối đó đều là những điểm đấu nối trái phép, từ đường hẻm cho tới đường huyện, đường tỉnh hầu như là đều đấu nối tự phát. Việc thống kê chỉ mang tính chất là giúp xác định được cốt thể những tuyến đường nào”, ông Thanh nói và cho rằng, việc người dân tự ý đấu nối trái phép khiến cho mật độ ngã ba, ngã tư tăng lên ngày một nhiều, ảnh hưởng đến trật tự ATGT, nguy cơ phá vỡ quy hoạch giao thông, làm xuất hiện nhiều điểm đen TNGT.
Hiện tại, theo rà soát của ngành chức năng địa phương, các điểm đấu nối với tuyến QL1 (theo quy hoạch) ở 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau có tổng cộng 134 điểm. Trong đó, đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 45 điểm (37 điểm đấu nối công cộng và 8 điểm đấu nối xăng dầu); Bạc Liêu có 40 điểm và Cà Mau có 49 điểm.
Cũng theo ông Thanh, khó khăn nhất hiện nay đối với đơn vị quản lý đường bộ là sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương. Địa phương có thể quản lý, xử phạt các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ chưa có giấy phép, nhưng đối với những trường hợp san lấp mặt bằng hoặc các trường hợp vi phạm khác đến đất hành lang an toàn đường bộ hầu như địa phương không xử lý.
Trường hợp đấu nối trái phép như cửa hàng xăng dầu đấu nối với tuyến QL1, đơn vị quản lý đường bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu chủ vi phạm phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu.
“Thực tế, có những trường hợp chấp nhận đóng phạt, có những trường hợp không chịu đóng. Khi đó, đơn vị quản lý đường bộ chỉ làm văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị tổ chức cưỡng chế, do đó, hiệu quả xử lý không cao”, ông Thanh cho hay.
Tại Hậu Giang, từ nhiều năm nay, tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ, đấu nối trái phép diễn ra phổ biến trên nhiều địa bàn tỉnh. Trên tuyến QL1, đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài gần 20km, không khó bắt gặp hình ảnh các mái che, biển quảng cáo, nhà tạm… lấn chiếm hành lang đường bộ. Đặc biệt tại khu vực phía trước Công ty TNHH Hải sản Việt Hải (QL1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), xuất hiện chợ tự phát phục vụ cho nhu cầu của công nhân và người dân sinh sống gần khu vực này. Vào những giờ cao điểm, trưa và chiều khi công nhân tan tầm, người dân mua bán tràn ra mặt đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang nhìn nhận tình trạng trên diễn ra từ rất lâu, ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức giải tỏa, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trên tuyến QL và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh, nhưng chỉ sau một tuần thực hiện thì mọi việc đâu lại vào đấy.
Đối với vấn đề đấu nối trái phép, theo ông Thành thì hiện nay không phát sinh thêm mà chủ yếu là do “lịch sử để lại”.
“Địa phương quản lý vấn đề đấu nối vào các tuyến quốc lộ rất chặt chẽ nên hầu như không có phát sinh mới. Trường hợp doanh nghiệp nào có nhu cầu thì đều xin phép cơ quan chức năng chứ không tự ý thực hiện”, ông Thành cho biết thêm.
Cần khởi tố tình trạng tháo hộ lan đường bộ
Ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục IV.1 cho biết, tình trạng người dân san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép trong HLATĐB diễn ra rất phổ biến. Riêng địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã phát hiện 32 vụ. Từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp với địa phương nhiều lần kiểm tra phát hiện 7 vị trí vi phạm HLATĐB tại huyện Thuận Nam, Thuận Bắc (Ninh Thuận). Cụ thể, tại Km 1536+100 (quán cơm, phở gà, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc) một hộ san lấp mặt bằng sát mép QL1 với chiều dài 40m. Tại vị trí này cũng mất 11 tấm hộ lan và trụ kẽm bị tháo dỡ với chiều dài 66m. Đáng chú ý tại thời điểm kiểm tra ngày 27/3, lực lượng chức năng phát hiện số hộ lan bị mất được tập kết ngay phía sau quán cơm Lợi Hải, sau đó đã đưa dải hộ lan này ra lắp đặt lại và xử phạt chủ quán cơm này.
Ngay cả tuyến tránh TX Cai Lậy (Tiền Giang) mặc dù mới xây dựng nhưng cũng đã xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ. Tại đầu tuyến tránh thuộc ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông, một doanh nghiệp đồ gỗ đã đấu nối trái phép ra quốc lộ, trưng bày bàn ghế ra cả phần đất lấn chiếm. Một tiệm sửa xe còn dựng rạp với khu sắt, mái tôn ra cả phần đất đấu nối vào tuyến tránh.
“Đối với các trường hợp vi phạm, chi cục đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý. Tình trạng san lấp mặt bằng, đấu nối trái phép quốc lộ đã được pháp luật quy định. Do đó, nếu không được xử lý nghiêm kịp thời thì khi xảy ra tai nạn địa phương phải liên đới trách nhiệm…”, ông Duy Anh nói.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, qua rà soát tình trạng lấn chiếm HLATĐB vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã xảy ra 53 vụ vi phạm về mở đường nhánh đấu nối, san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa công trình tạm… trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên tuyến QL1, QL27 gây nguy cơ mất ATGT, làm tắc dòng chảy. “Đối với các vị trí đấu nối cần có sự thống nhất giữa địa phương và sự chấp thuận của Cục QLĐB IV, tránh tình trạng cấp giấy phép xây dựng tràn lan vi phạm ảnh hưởng ATGT trên QL1. Những trường hợp xâm hại, tháo dỡ hộ lan quốc lộ, địa phương cần xử lý mạnh tay vì đây là công trình quốc gia. Thậm chí khởi tố hình sự để tăng tính răn đe”, ông Dũng nói.
Không kịp thời ngăn vi phạm sẽ khấu trừ kinh phí bảo dưỡng
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đối với các hành vi vi phạm như đấu nối trái phép, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị TTGT chủ trì phối hợp yêu cầu đối tượng vi phạm ngừng ngay hành vi vi phạm, khôi phục hiện trạng. Trường hợp đối tượng cố tình vi phạm, tổ chức phương tiện, lực lượng rào chắn trên phạm vi đất của đường bộ để đóng điểm đấu nối trái phép hoặc tổ chức đào mương ngăn chặn hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp UBND cấp có thẩm quyền, lực lượng Công an để xử lý hành chính.
Đối với nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, Tổng cục đã yêu cầu phải tăng cường công nhân tuần đường, tối thiểu 1 lần/ngày/tuyến, phát hiện kịp thời vi phạm. Nếu để xảy ra vi phạm tồn tại quá 3 ngày mà không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo kịp thời, đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên sẽ bị khấu trừ kinh phí quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trong tháng.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, các doanh nghiệp đầu tư khai thác đường bộ, trong quá trình thực hiện, trường hợp phải xử lý hành chính báo cáo Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT được giao quản lý nhà nước đối với tuyến quốc lộ để tiến hành xử lý hành chính hoặc phối hợp chính quyền địa phương để xử lý. Nếu để xảy ra các vi phạm tồn tại mà không phát hiện, xử lý, Tổng cục sẽ khấu trừ hoặc báo cáo Bộ GTVT khấu trừ kinh phí quản lý, bảo dưỡng thường xuyên bằng cách rút ngắn thời hạn thu phí hoàn vốn.
Về lâu dài, ông Lăng cho biết, Tổng cục yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trần Duy
Tin mới
- Phó Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ma tuý lái xe - 07/05/2019 07:56
- Phân luồng giao thông trong lễ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - 03/05/2019 03:32
- Gần 20 người tử vong mỗi ngày do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 - 02/05/2019 02:21
- Hà Nội: Sẽ thu hồi phù hiệu các xe vi phạm dịp lễ 30/4 - 23/04/2019 05:51
- Hà Nội sẽ bổ sung biển cấm ô tô trên nhiều tuyến đường - 09/04/2019 08:17
Các tin khác
- Hơn 47.600 trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm bị xử lý - 04/04/2019 03:05
- Triển khai đồng loạt các dự án giao thông lớn ở ĐBSCL - 02/04/2019 02:43
- Đảm bảo trật tự hành lang đường sắt và xử lý dứt điểm các lối đi tự mở - 27/03/2019 03:02
- Hai tiêu chí tuyến đường đủ điều kiện hạn chế xe máy ở Hà Nội - 20/03/2019 07:21
- Tận thấy tiện ích hiện đại trên đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 08/03/2019 03:03