Sau ô tô, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mô tô, xe máy được khuyến khích tự nguyện dán nhãn năng lượng cho xe trong năm 2019, bắt buộc thực hiện từ 2020.
Đến năm 2020, tất cả xe máy, mô tô mới (chưa có biển số) sẽ phải dán nhãn năng lượng. |
Đây là nội dung dự thảo thông tư hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng đang được Bộ GTVT lấy ý kiến rộng rãi.
Chỉ áp dụng với xe mới
Theo giải thích tại dự thảo, nhãn năng lượng cung cấp các thông tin liên quan loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn. Trước khi đưa xe ra thị trường, cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy định của thông tư.
Mức tiêu thụ nhiên liệu công khai không được nhỏ hơn 4% so với kết quả đo thử nghiệm. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu có trách nhiệm tự in nhãn năng lượng theo mẫu và dán trên xe tại vị trí dễ quan sát. Nhãn năng lượng phải được duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Cũng theo dự thảo, các kiểu loại xe trước khi dán nhãn năng lượng phải được thử nghiệm để xác định đúng mức tiêu thụ nhiên liệu. Việc thử nghiệm được thực hiện trực tiếp hoặc kết hợp với thử nghiệm khí thải, tại cơ sở thử nghiệm đủ tiêu chuẩn. Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT khuyến khích DN tự nguyện thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện từ ngày 1/1 – 31/12/2019. Từ ngày 1/1/2020, hoạt động này là bắt buộc.
Đại diện Cục Đăng kiểm lưu ý: Đối tượng áp dụng dán nhãn năng lượng là các xe mô tô, xe gắn máy mới (chưa có biển số), không phải là xe đang lưu hành (đã được cấp biển số). Vì thế các phương tiện mô tô, xe gắn máy người dân đã, đang sử dụng sẽ không bị ảnh hưởng.
Giảm thuế, phí để khuyến khích người sử dụng
Ủng hộ mục tiêu của quy định trên, nhưng PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích: Mục đích chính của việc dán nhãn năng lượng cho phương tiện là minh bạch thông tin nhằm kiểm soát việc sử dụng năng lượng, khuyến khích người dân lựa chọn những phương tiện tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên hoặc sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Trong khi việc quan trọng trước tiên người tiêu dùng quan tâm là giá cả, chất lượng xe, rồi mới tới chỉ số năng lượng. Họ sẽ chỉ sử dụng chiếc xe với 1 cái tem, nhãn được gắn lên một cách vô thức, không có ý định phải tìm loại xe nào sạch, tiêu hao ít năng lượng để mua. Điều này đã được minh chứng sau gần 1 năm áp dụng dán nhãn năng lượng với ô tô, quy định không đem lại hiệu quả như mục tiêu đề ra.
“Thực tế việc dán nhãn năng lượng cho phương tiện giao thông nhiều nước đã làm từ lâu. Tuy nhiên, họ có các chính sách đi kèm để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn phương tiện sạch. Đơn cử khách hàng mua xe sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch sẽ được miễn giảm thuế, miễn giảm hoặc ưu đãi một số loại phí, lệ phí. Như vậy mới tạo động lực để người dân cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm”, ông nói.
PGS-TS Phạm Xuân Mai cũng cảnh báo: Xe nhập sẽ có độ chênh giữa kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với thực tế xe chạy bên ngoài. Đơn cử, các chỉ số được nhà sản xuất tự công bố thường là chỉ số tiêu hao năng lượng được gắn con số tối thiểu nhất có thể trong phòng thí nghiệm. Trong khi thực tế, mức gia tăng tiêu hao năng lượng phụ thuộc đáng kể vào các yếu tố như kẹt xe, tốc độ đi không đúng tốc độ đã được thí nghiệm.
Chưa kể, nhà sản xuất có thể cố tình công bố sai lệch thông tin về năng lượng nhằm quảng bá sản phẩm nhưng cơ quan đăng kiểm cũng khó kiểm soát. Vì hiện chỉ có duy nhất một trạm đăng kiểm của Trung ương ở Hà Nội mới kiểm tra được các thông số về năng lượng. Nếu phải chuyển tất cả xe ra Hà Nội để kiểm tra sẽ rất tốn kém, không khả thi.
Tin mới
- Thông xe công trình xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên - 11/10/2018 03:43
- Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô - 10/10/2018 04:26
- Lan tỏa thông điệp ATGT trong ngày vui hội - 01/10/2018 03:08
- Bộ trưởng GTVT 'trả lại' Đề án xử lý lối đi tự mở đường sắt - 01/10/2018 03:00
- Để số liệu TNGT không “vênh” nhau - 18/09/2018 03:08
Các tin khác
- Có thể cấm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân vì siêu bão Mangkhut? - 14/09/2018 05:22
- Làm đường tạm 4 tỷ thông tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai - 12/09/2018 07:18
- Hơn 5.000 phương tiện bị xử lý qua thiết bị giám sát hành trình - 28/08/2018 07:33
- Sắp có khung pháp lý cho xe điện, xe tự lái - 28/08/2018 07:22
- Công điện đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp 2/9 và khai giảng năm học mới - 13/08/2018 06:57