Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ tư, 26 Tháng 10 2022 09:36

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (từ ngày 17/10 đến 18/11/2022), các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người nghèo.

Tiếp tục rà soát những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời - Ảnh 1.

Huyện Quốc Oai khánh thành nhà "Đại đoàn kết" tặng một hộ gia đình nghèo. 

Trong tháng cao điểm " Vì người nghèo", tại huyện Mỹ Đức, Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm y tế huyện đã tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Huyện Quốc Oai khánh thành nhà "Đại đoàn kết" tặng một hộ gia đình nghèo. Quận Bắc Từ Liêm tổ chức trao quà cho người cao tuổi. Huyện Chương Mỹ sửa chữa, cải tạo nhà cho người dân tại xã Tốt Động. Huyện Gia Lâm trao phương tiện sinh kế cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đa Tốn. Huyện Đông Anh tăng cường đào tạo nghề góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân. Người dân huyện Mê Linh tham gia ủng hộ "Quỹ nhân ái" hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Mê Linh…

Những việc làm thiết thực trên đã góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo...

Để Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2022 tiếp tục triển khai hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc số lượng, tình hình, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể.

Tính đến nay, theo chuẩn nghèo đa chiều của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố Hà Nội vẫn còn 3.612 hộ nghèo (chiếm 0,16% tổng số hộ dân) và 30.176 hộ cận nghèo (chiếm 1,38% tổng số hộ dân). Thành phố đặt mục tiêu hằng năm giảm từ 25% đến 30% số hộ nghèo và 10% số hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ cơ bản không còn hộ nghèo, Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy Hà Nội và nhiều nghị quyết, quyết định của HĐND Thành phố và UBND thành phố Hà Nội về chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025; các quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của TP. Hà Nội đã được ban hành.

Cùng với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và Thành phố, Ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể các cấp tại Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Ngày 18/10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành của Thành phố đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền các nội dung gồm tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết các vấn đề thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân nói chung, người nghèo nói riêng.