Thứ tư, 05 Tháng 8 2015 07:04

Nhìn bên ngoài, rất nhiều loại hoa quả trái mùa bày bán trong thời gian dài song nhìn vẫn tươi rói.


Thời gian qua, trên địa bàn cả nước ghi nhận hàng chục vụ ngộ độc với quy mô lớn tại các khu công nghiệp, trường học có nguyên nhân ban đầu được xác định liên quan đến thực phẩm nhiễm khuẩn. Công tác thanh kiểm tra cũng phát hiện nhiều tấn hàng hoa quả nhập lậu không rõ nguồn gốc chứa các chất bảo quản bị cấm...

 

Có một thực tế đáng báo động chính là việc người kinh doanh buôn bán mặt hàng hoa quả, thực phẩm vì lợi nhuận đã lén sử dụng những chất bảo quản độc hại nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Để làm rõ thực trạng trên, PV báo đã trực tiếp lần ra những công nghệ bẩn này.

 

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, rất nhiều loại hoa quả trái mùa bày bán trong thời gian dài song nhìn vẫn tươi rói. PV đã tận mục sở thị và giật mình khi biết rằng hầu hết những loại hoa quả đó đã được "tắm" hóa chất.

 

Mua hóa chất độc dễ hơn mua rau

 

Qua một đầu mối là chủ một lò mổ chuyên cung cấp thịt trâu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, PV được biết trên thị trường hiện nay có một loại hóa chất có khả năng tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi. Việc sử dụng hóa chất này cũng rất dễ dàng.

 

Nhandao thuoTP

 

PV đang thực hiện quy trình tẩy trắng thịt ôi bằng loại bột mua được ở thị trường.


Theo lời giới thiệu của chủ lò mổ này, PV báo đến gian hàng đồ khô tại chợ Vĩnh Yên hỏi mua bột làm tươi thịt. Nghe PV hỏi, chủ một gian hàng nhanh nhảu đáp: 40.000 đồng/kg. Trong lúc chờ nhân viên vào lấy hàng, bà chủ quầy hàng này còn nhắn nhủ PV: "Lần sau, nếu cần mua loại hàng này thì cứ đến chỗ chị, bao nhiêu cũng có. Mà sau nếu có hỏi mua thì nói là bột săm-pết nhé, đừng nói là bột làm tươi thịt nghe sợ lắm!?".

 

Khi hỏi về cách sử dụng, bà chủ quầy hàng chỉ dẫn rất kỹ lưỡng: "Em cứ về pha bột theo tỉ lệ 2-1-1 nghĩa là 2 thìa bột hóa chất pha với 1 lít nước cho 1kg thịt cần làm tươi. Khi khuấy bột phải cẩn thận đeo găng tay vào nhé. Không nên để bột ở nơi có nhiệt độ cao, rất dễ cháy".

 

Theo quan sát của PV, thứ bột làm tươi thịt được gọi là bột "săm-pết" này trắng mịn, không mùi, dễ tan trong nước. Chúng được đóng trong các túi nilon với trọng lượng 1kg.

 

Để kiểm chứng "sự thần kỳ" của loại bột này, PV báo đã trực tiếp mua 4 lạng thịt chân giò lợn treo dưới trời nóng hơn 1 ngày. Khi thịt đã có dấu hiệu ôi, thâm xì và bốc mùi hôi thối, PV mới tiến hành thực nghiệm với loại bột trên.

 

Theo chỉ dẫn từ phía người bán hàng, PV pha một thìa chất bột trắng nói trên, khuấy tan trong nước rồi cho miếng thịt vào ngâm. Khoảng 30 phút sau, khi được lấy ra, màu của miếng thịt đã trở nên hồng, tươi như lúc mới mua, mùi hôi hoàn toàn biến mất. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, không ai có thể biết đây là thịt ôi đã được "mông" lại bằng thứ hóa chất độc hại kia.

 

Nhandao thuoTP22


Chủ cửa hàng đang lấy bột săm-pết cho PV.


Loại bột này không chỉ được sử dụng làm tươi thịt mà còn được nhiều thương lái dùng để kích hoa quả chín nhanh và giữ mẫu mã đẹp trong một thời gian dài. Theo lời một thương lái chuyên thu mua chuối ở Hoài Đức, Hà Nội (trong bài báo tới, chúng tôi sẽ hé lộ công nghệ tẩm ướp hóa chất thúc hoa quả chín sớm của nhân vật này - PV) tiết lộ thì trước đây, để làm chín cũng như bảo quản hoa quả, người kinh doanh thường dùng các phương pháp truyền thống như hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống.

 

Nhưng bây giờ thì khác, hoa quả được các thương lái thu mua rồi phân phối cho các chủ cửa hàng cũng mất cả chục ngày nên dễ thối, dễ hỏng nên phải dùng hoá chất để hạn chế quá trình hư hỏng. Cũng theo thương lái này chỉ cần vài ống thuốc tẩm ướp có giá chưa đến 10.000 đồng pha với vài lít nước, sau đó cho táo, lê, mận, chuối vào ngâm khoảng 15 - 20 phút thì vớt ra.

 

Hôm sau, nhìn mớ hoa quả đó lại tươi rói như vừa mới hái trên cây xuống! Với mít, sầu riêng thì không cần pha mà tiêm trực tiếp vào cuống. Sau khoảng 1 ngày thì mít, sầu riêng đó sẽ chín vàng và có mùi thơm nồng, thậm chí không thối, để được mấy tháng không hỏng.

 

Nhìn mà hoảng...

 

Có thể khẳng định thực tế trên thị trường đang tồn tại thứ bột có khả năng biến thịt ôi, thiu trở thành thịt tươi và các loại thuốc kích thích hoặc kìm hãm hoa quả chín. Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thịt bẩn, đâu là hoa quả đã được tẩm ướp khi chúng xuất hiện trên các sạp hàng với vẻ ngoài tươi ngon. Đáng báo động là ở chỗ thứ hóa chất độc này lại được bày bán công khai với giá rất rẻ và bất cứ ai có nhu cầu đều có thể mua chúng.

 

Trước thực trạng các loại hóa chất phù phép cho thực phẩm được mua bán rất dễ dàng như đã nêu trên, PV tiếp tục tìm hiểu tại một số địa điểm kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Theo quan sát của PV, tại chợ Vồ (Hà Đông, Hà Nội), lượng thịt ế thường được tập trung vào khoảng giữa trưa đến chiều, giá các loại thịt được bán rẻ hơn gần một nửa so với giá thông thường.

 

Một số người dân cho biết, phần lớn người mua thịt tại đây là các chủ hàng cơm bình dân, còn người dân ở đây không ai ăn các loại thịt này. PV đã tận mục sở thị và nhận thấy rằng chưa nói gì đến chất lượng thịt như thế nào nhưng chỉ riêng việc thịt được bày trên bao tải, bàn gỗ mùn nát để bán đã rất mất vệ sinh.

 

Tiếp tục hành trình lần theo đường đi của các loại thực phẩm bẩn, PV được một người bạn kinh doanh cơm bình dân tại khu vực Hà Đông cho biết: Khách đến quán thường chỉ muốn ăn đồ giá rẻ trong khi giá thực phẩm thì tăng hàng ngày nên mình cũng phải theo xu thế chung (là sử dụng hóa chất-PV). Với lại đồ ăn của quán mình đều đã được nấu chín nên chắc cũng không ảnh hưởng gì lớn(?!)".

 

Thực tế cho thấy, việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm đã khiến cho một số đối tượng tỏ ra coi thường pháp luật, do đó số lượng các vụ việc vi phạm ngày một gia tăng với nhiều hình thức tinh vi hơn. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt về ATVSTP chưa đủ sức răn đe so với mức độ nguy hại mà hành vi đó gây ra cho sức khỏe con người, cho môi trường, xã hội nên vi phạm không được ngăn chặn một cách triệt để.

 

Qua tìm hiểu thực tế của PV, có thể thấy rằng, việc nhiều người lo lắng về chất lượng của các loại thực phẩm, hoa quả... là có cơ sở. Trong khi người dân đang bị đe dọa tính mạng qua từng bữa ăn hàng ngày thì các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm biện pháp hạn chế!

 

Kỳ 2: Nguy cơ từ hoa quả trái mùa – chỉ bán chứ không ăn

 

Vào khoảng 6h sáng 13/6, trong quá trình làm nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông tại ngã tư Tam Trinh- Đền Lừ, đội CSGT số 14, phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an TP.Hà Nội phát hiện chiếc xe ô tô tải loại 1,4 tấn mang BKS 88C-035.01 có dấu hiệu nghi vấn, đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.

 

Quá trình kiểm tra, phát hiện trong thùng xe có nhiều thùng carton loại lớn được dán băng dính kín xung quanh, mặc dù vậy, mùi hôi thối khó chịu vẫn bốc ra. Khi được mở ra, bên trong những thùng xốp này là nội tạng động vật các loại, mỡ bẩn. Toàn bộ số hàng hóa trên có trọng lượng khoảng hơn 540kg và chủ hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ, giấy chứng nhận kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm chứng minh nguồn gốc xuất xứ nào.

 

Nhiều hóa chất, phụ gia sử dụng không có trong danh mục cho phép

 

TS.Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho biết: Phụ gia và các chất được sử dụng trong thực phẩm đã được bộ Y tế quy định rõ ràng theo danh mục số 3742/2001/QĐ-BYT. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận, nhiều người đã sử dụng các loại hóa chất, phụ gia không có trong danh mục thì đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

Riêng đối với chất làm tươi thịt như PV đã phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và khi có kết quả mới có thể biết được chất đó ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Đặc biệt, xin khẳng định rằng, tất cả các loại phụ gia không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc đều bị thu hồi và tiêu hủy.

 

Theo NĐT