Thứ hai, 05 Tháng 9 2016 10:48

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất trong vùng sông Mekong và thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc loại lớn trên thế giới . Do đó, công tác phòng chống thiên tai được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc đầu tư kinh phí và sức lực liên tục trong nhiều năm, xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, Nhà nước đã quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách nhằm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tăng cường năng lực và nhận thức của người dân, quan tâm chú ý nhiều hơn đến các đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai, đặc biệt là người khuyết tật;

CVDXH 4

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH và Bộ NN&PTNT ký kết chương trình hợp tác thực hiện Đề án Nâng cao năng lực và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đối với người khuyết tật

 

Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những trận bão và mưa lớn xảy ra ngày càng khốc liệt hơn, hàng năm gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn. Theo đánh giá của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới. Minh chứng là trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước. Ngoài những tác động về kinh tế - xã hội, thiệt hại về sinh mạng con người do thiên tai, bệnh tật gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và môi trường sau thiên tai là vấn đề rất lớn mà Việt Nam thường xuyên phải đối mặt. Các bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não và các bệnh khác đều gia tăng trong mùa mưa bão hàng năm, do môi trường bị ô nhiễm, thiếu điều kiện sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.

CVDXH1 1

Người khuyết tật Quảng Nam chia sẻ về vấn đề quản lý thiên tai

Công tác phòng chống thiên tai được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc đầu tư kinh phí và sức lực liên tục trong nhiều năm, xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, Nhà nước đã quan tâm hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách, tăng cường năng lực và nhận thức của người dân. Luật Phòng, chống thiên tai được ban hành; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 cùng các đề án, dự án quản lý rủi ro thiên tai hướng đến vai trò của cộng đồng đã và đang được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.

Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình trong đó người dân trong cộng đồng chủ động tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro thiên tai, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với tác động của thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mục đích của quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là tạo ra sự chuyển biến tích cực từ một “cộng đồng dễ bị tổn thương” sang một “cộng đồng có năng lực, cùng nhau phòng ngừa, ứng phó và phục hồi” bằng cách phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng và các nguồn lực khác.

Nhu cầu hỗ trợ ứng phó với thiên tai của người khuyết tật

Theo Luật Phòng, chống thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo. Với mỗi nhóm đối tượng, việc chú trọng đến nhu cầu, năng lực của từng nhóm để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời trong thiên tai, hiệu quả và đảm bảo công bằng xã hội, mang tính nhân văn là thực sự cần thiết.

Trong các đối tượng trên, người khuyết tật được xem là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai. Họ có thể trạng yếu hơn những người khác, trình độ và khả năng nhận thức có phần kém hơn, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn do phần lớn người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo. Việc tiếp cận, cập nhật thông tin còn gặp nhiều hạn chế. Một khi thiên tai xảy ra, người khuyết tật sẽ là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, trên tất cả các mặt. Vì vậy, các chương trình và hoạt động quản lý rủi ro thiên tai cần tạo cơ hội cho người khuyết tật cùng nhau tìm hiểu về thiên tai, về tình trạng dễ bị tổn thương và những gì được xem là năng lực của họ trước thiên tai, đồng thời tăng cường việc tiếp cận thông tin nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình ra quyết định trong hoạt động lập kế hoạch.

Điều 11, Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật cũng quy định “các quốc gia thành viên phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự bảo vệ và sự an toàn cho người khuyết tật trong các tình huống nguy hiểm, trong đó có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp nhân đạo và thiên tai”.

Tuy nhiên, hiện nay, người khuyết tật chưa tham gia chủ động và hiệu quả trong các chương trình quản lý rủi ro thiên tai. Theo một khảo sát thì có tới 74% số người khuyết tật được hỏi nói họ không biết kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, 69% không tham gia vào quá trình ra quyết định và lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, 76% gặp khó khăn khi đi sơ tán.

Để tăng cường nguồn lực và sự tham gia của Nhà nước, xã hội và người dân trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ngày 13/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự tham gia chủ động và hiệu quả của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, trong đó có người khuyết tật. Gần đây nhất, Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật cũng có nội dung về hỗ trợ phòng chống thiên tai cho người khuyết tật. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan: “xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật, người khuyết tật và tổ chức của người khuyết tật trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Xây dựng mô hình phòng chống thiên tai bảo đảm khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. ứng dụng công nghệ, thiết bị chuyên dụng giúp người khuyết tật tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm để ứng phó với thiên tai”. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai, hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.

Lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Việc lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là cần thiết để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng ứng phó cho cả cộng đồng. Trước khi có Quyết định số 1100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 9656/CTPH-BNNPTNT-BLĐTBXH (ngày 27/11/2015) về Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ trong hoạt động triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đối với người khuyết tật.

Chương trình hướng tới mục tiêu tạo cơ chế phối hợp giữa ngành LĐ-TB&XH và NN&PTNT từ Trung ương đến địa phương nhằm hướng dẫn các tỉnh, thành phố hỗ trợ người khuyết tật tham gia hiệu quả các hoạt động của Đề án tại cộng đồng, qua đó đảm bảo người khuyết tật được nâng cao nhận thức và tham gia mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, góp phần thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật, huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện hiệu quả các hoạt động của Đề án.

Ngay sau khi Chương trình được ký kết, hai Bộ đã tập trung vào các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật tại các cấp trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó khuyến khích, hỗ trợ người khuyết tật, đại diện tổ chức xã hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật tham gia cơ cấu tổ chức thực hiện Đề án tại các cấp, đặc biệt trong đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Ngành LĐ-TB&XH và NN&PTNT cũng hỗ trợ người khuyết tật tham gia diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng, đảm bảo khả năng tiếp cận của người khuyết tật trong các hoạt động truyền thông, thông tin cảnh báo sớm thiên tai và các công trình quy mô nhỏ phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng. Các mô hình hiệu quả về hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng được phối hợp xây dựng và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Về công tác chuyên môn, nội dung về hòa nhập người khuyết tật cũng được lồng ghép trong các lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trực tiếp làm công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ tổ chức xã hội của người khuyết tật tại các cấp cũng được lồng ghép nội dung phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai….

 

CVDXH111

Tập huấn ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng đối với người khuyết tật

 

Trong nội dung của chương trình hợp tác, hai Bộ NN&PTNT và LĐ-TB&XH cũng phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng, chỉnh biên các tài liệu về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép nội dung hòa nhập người khuyết tật. Chia sẻ các số liệu, dữ liệu liên quan đến người khuyết tật tại các địa phương thực hiện Đề án, chia sẻ thông tin, số liệu và kết quả hòa nhập người khuyết tật trong các hoạt động của Đề án, phối hợp chia sẻ thông tin, số liệu phục vụ theo dõi và đánh giá, xây dựng báo cáo định kỳ việc thực hiện Đề án, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm, mô hình tham gia hiệu quả của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng như phối hợp hoạt động trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện (trong đó, ưu tiên về hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai)…

Có thể nói, Chương trình phối hợp đã đề cập cụ thể đến trách nhiệm của hai Bộ trong việc thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng lồng ghép vấn đề hoà nhập người khuyết tật trên phạm vi cả nước. Chương trình cũng đã nhấn mạnh vai trò của người khuyết tật như là những đối tác quan trọng trong cơ cấu thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng các cấp. Mùa mưa bão đã đến, với sự vào cuộc của các cấp ngành LĐ-TB&XH và NN&PTNT, sự chủ động của chính người khuyết tật hy vọng sẽ là hiệu ứng tốt để các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, địa phương cùng chung tay chăm lo cho đời sống của người khuyết tật, hỗ trợ họ ứng phó kịp thời và giảm nhẹ đến mức tối đa những tác động của rủi ro thiên tai.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi