Thứ hai, 07 Tháng 9 2015 14:14

Một thợ lặn điệp viên của Pháp từng tham gia chiến dịch đánh chìm một con tàu của tổ chức Hòa bình Xanh cách đây 30 năm lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi về hành động.

 

TS82

Jean-Luc Kister, từng là thợ lặn của Tổng cục An ninh Hải ngoại Pháp. Ảnh: Telegraph

 

"30 năm sau sự kiện, giờ thì cảm xúc đã nguôi ngoai và tôi cũng đã xa rời sự nghiệp, tôi nghĩ đã đến lúc để bày tỏ sự ân hận sâu sắc nhất cùng lời xin lỗi của tôi", Jean-Luc Kister, từng là thợ lặn của Tổng cục An ninh Hải ngoại Pháp, cho biết trong cuộc phỏng vấn với trang web Mediapart phát hôm qua.

 

Kister thuộc đội đặt mìn tàu Rainbow Warrior của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) năm 1985, làm nhiếp ảnh gia Bồ Đào Nha Fernando Pereira thiệt mạng. Tàu chìm khi nó đang được neo tại Auckland, New Zealand.

 

Ông cho biết muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình của Pereira, "đặc biệt là con gái Marelle của anh ấy, vì điều tôi coi là một tai nạn, nhưng họ cho là một vụ ám sát", tới đội tàu Hòa bình Xanh và nhân dân New Zealand, nơi con tàu chìm.

 

Rainbow Warrior đang trên đường tới rạn san hô vòng Mururoa ở Nam Thái Bình Dương, để phản đối Pháp thực hiện một chuỗi cuộc thử hạt nhân. Các điệp viên Pháp giả làm khách du lịch Thụy Sĩ đã tới thăm tàu trước đó để thu thập thông tin. Quả mìn đầu tiên phát nổ lúc 11h38, khi nhiều thủy thủ còn đang ngủ, tạo thành lỗ lớn trong thân tàu.

 

Pereira trước đó trở về cabin để lấy máy ảnh và ở dưới boong khi quả bom thứ hai phát nổ. Nhiếp ảnh gia 35 tuổi bị kẹt trong cabin và chết đuối.

 

Pháp ban đầu chối bỏ việc tham gia đánh chìm tàu, nhưng đến năm 1987, trước sức ép của cộng đồng quốc tế, phải bồi thường 8,2 triệu USD cho Hòa bình Xanh và trả một khoản tiền cho gia đình Pereira. Nước này dừng thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương năm 1996.

 

TS82.1

Tàu Rainbow Warrior bị đánh chìm. Ảnh: Stuff

Theo VNE

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi