Quảng Trị: Gấp rút hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ
Cà rốt còn có tên hồ la bặc, kim duẩn, hồng la bạc, hạc sắt phong... Tên khoa học: Daucus carota L., họ hoa tán (Apiaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, thân lá hay quả (Nam hạc sắt).Cà rốt là loại thực phẩm rất quen thuộc, rất có ích cho sức khỏe vì chứa nhiều chất xơ nhưng ít calo và đường. Cà rốt cũng là thực phẩm lý tưởng cho thị lực, ngoài ra nó còn thúc đẩy khả năng miễn dịch và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh mạn tính.
Về thành phần hóa học, rễ cây có 9-10% glucid (pectin, đường); 1% protein; hydrocarotin và carotene, vitamin C dưới dạng phức với protein, vitamin D, vitamin B, tinh dầu và nhiều loại nguyên tố... Hàm lượng caroten cao nhất trong củ cà rốt, cứ một phân tử caroten được hai phân tử vitamin A. Vì vậy cà rốt là loại rau quả lý tưởng cho bệnh nhân giảm thị lực, quáng gà, khô mắt; ngoài ra còn có tác dụng hạ huyết áp, giảm mỡ máu, bảo vệ chức năng tim mạch. Pectin chống hôi thối, làm lành da ở trong ruột, làm lỏng và lưu thông mật, tăng cường miễn dịch tự nhiên. Quả (nam hạc sắt) có tinh dầu (pinen, limonen, daucol, geraniol... và geraniol có tỷ lệ đến 50%), flavonoid.
Theo Đông y, củ cà rốt vị ngọt, tính bình; vào phế, tỳ. Tác dụng minh mục, kiện tỳ, hành khí, tiêu thực, hóa trệ. Trị quáng gà, mờ mắt, giảm thị lực, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, ho do viêm khí phế quản, hội chứng lỵ mạn. Nam hạc sắt (quả) vị cay đắng, tính bình, hơi độc; làm thuốc lợi tiểu, điều kinh, sát trùng. Trị giun sán, tiêu chảy, lỵ mạn tính. Hằng ngày dùng 50 - 150g củ cà rốt, có thể ăn sống, vắt ép nước, nấu hầm. Nam hạc sắt dùng 12 - 18g.
Cháo thịt gà cà rốt thích hợp cho người bị thiểu dưỡng suy nhược, phòng trị tăng huyết áp, quáng gà, giảm thị lực.
Một số bài thuốc có cà rốt
Trị đau bụng do giun sán: hạc sắt 10g, hồ phấn 8g, xuyên luyện tử 8g, bạch phàn 4g. Tất cả sấy khô, tán bột làm viên. Khi đau bụng uống 3g.
Trị sán sơ mít: hạc sắt 18g tán bột, uống với nước ấm. Khi mót đi đại tiện, ngâm hậu môn vào chậu nước ấm để giun ra.
Trị giun cắn làm đau bụng thắt ngực ở trẻ em: nam hạc sắt (tán bột) 2g, thịt lợn nạc 50g. Nấu ăn. Giun ra thì thôi (dùng cho trẻ 5 tuổi).
Thuốc dùng ngoài:
Nước sắc lá cà rốt súc miệng. Chữa chứng lở mồm, áp-xe miệng: Dùng nước tắm rửa chữa cước chân tay và nẻ, vết thương, vết loét, hắc lào, chốc lở.
Nước ép củ cà rốt chăm sóc da mặt, làm da mềm mại tươi tắn, xóa mờ vết nhăn (gen cà rốt, phomat carotene).
Món ăn thuốc có cà rốt
Cháo cà rốt: cà rốt 100g, gạo tẻ 150g. Cà rốt rửa sạch, thái lát to; gạo vo sạch; thêm nước nấu cháo, có thể thêm thịt gà, tim gan lợn, thịt và xương lợn lượng tùy ý và gia vị thích hợp. Dùng tốt cho người bị thiểu dưỡng suy nhược; phòng trị tăng huyết áp; quáng gà, giảm thị lực.
Hoặc: cà rốt 200g, gạo tẻ 60g. Cà rốt cạo rửa sạch thái lát, gạo vo sạch, cả hai cùng nấu cháo, chia ăn trong bữa cơm (có thể thêm rau xanh, thịt nạc, trứng, gia vị thích hợp). Dùng tốt cho trẻ em đầy bụng không tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Gan lợn xào cà rốt: gan lợn 100g, cà rốt 100g. Gan lợn thái lát; cà rốt rửa sạch thái lát, thêm gừng, hành, gia vị; xào vừa chín. Món này rất tốt cho người bị quáng gà, mờ mắt, giảm thị lực.
Canh cà rốt đại táo: cà rốt 120g, đại táo 12 quả, thêm nước hầm chín. Dùng cho bệnh nhân ho gà, người bị đầy bụng không tiêu.
Canh cà rốt: cà rốt 200g nấu lấy nước, uống nhiều lần trong ngày. Dùng thích hợp cho người bệnh đậu, sởi lúc mới khởi phát (giải độc thấu ban).
Canh cà rốt rau mùi (Trung Quốc thực liệu đại toàn): cà rốt 100g, rau mùi 100g; cùng nấu lấy nước uống. Dùng tốt cho người bệnh thủy đậu, sởi lúc mới khởi phát.