Thứ tư, 27 Tháng 3 2013 14:23

"Cha ơi, con đau lắm... con khát lắm." Bám chặt lấy đôi nạng gỗ, ông Nhảy chết lặng nhìn thằng con trai độc nhất rên từng tiếng đứt quãng. Giữa cảnh phải chạy ăn từng ngày, vụ tai nạn điện thương tâm của thằng con ập đến khiến người cha "lực bất tòng tâm".


Nghe bác sĩ gọi "thân nhân bệnh nhi Phạm Văn Thanh" người đàn ông đang ngồi gà gật nơi hành lang khoa Bỏng giật thót mình. Ông vớ vội đôi nạng, loạng choạng đứng dậy rồi lật đật nhót từng nhịp khó nhọc vào trước phòng bệnh. Ông là Phạm Văn Nhảy (49 tuổi) bố của cháu bé bị điện giật đang nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2.


Bong dien 01

Ông Nhảy đau đớn nhìn đứa con trai chết dần trên giường bệnh


Gia đình đông người nhưng hơn 10 ngày qua chỉ có một mình ông Nhảy túc trực bên giường bệnh của đứa con trai. "Khổ lắm chú ạ, vợ và con gái tôi mà lên đây thì chắc tôi còn phải chăm cả cho mẹ con nó." Theo lời bà Huệ Thương, hiện đang công tác tại mái ấm Đồng Cảm đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn thì vợ và hai cô con gái của ông Nhảy đều là những người bị chậm phát triển về tâm thần. Gia đình họ nghèo xơ xác, dù đôi chân tật nguyền nhưng một mình ông phải làm việc để nuôi sống cả nhà.


Sau cơn sốt bại liệt từ khi lên 3, đôi chân của ông Nhảy gần như bị liệt hoàn toàn. Cặp nạng gỗ bắt đầu theo ông từ khi tập đi. Đến tuổi lập gia đình, với thân thể tật nguyền, nhờ mai mối ông nên vợ nên chồng với người phụ nữ Nguyễn Thị Ngọc (hiện nay 42 tuổi). Dù biết bà Ngọc có vấn đề về thần kinh nhưng ông Nhảy vẫn tặc lười chấp thuận những mong có được cuộc sống vợ chồng như bao người khác.


Khốn nỗi, "hai đứa con gái lớn sinh ra cũng mắc cái chứng chập chập như mẹ nó". Đến thằng con thứ 3 tương lai cũng chẳng sáng sủa hơn với ông vì "nó cũng chẳng khá hơn mẹ và các chị bao nhiêu." Mới 13 tuổi, bé Thanh đã nghỉ học ở nhà vì không theo kịp chúng bạn cùng lớp. Nhưng bù lại thằng bé rất chăm chỉ biết phụ giúp việc gia đình.


Bong dien 02

Chỉ vì tiếc con diều, cậu bé đang phải gánh chịu nhiều đau đớn


Gắn bó với nghề sửa xe đạp từ khi lập gia đình, đến nay ông Nhảy được xem là người có thâm niên trong nghề. Phần vì sửa tốt, phần vì muốn chia sẻ với khó khăn của gia đình ông nên bà con lối xóm hễ xe cộ có hỏng hóc gì đều tìm đến. Nhờ thế mỗi ngày ông cũng kiếm được trăm hơn trăm kém, nhưng trong nhà còn tới "bốn cái tàu há mồm" phải lo nên mọi chi tiêu đều trong cảnh thiếu trước hụt sau.


Biết cảnh khó khăn ấy, nhiều năm qua mỗi khi nhà chùa ở địa phương hoặc các tổ chức cá nhân nào phát gạo từ thiện, bà Huệ Thương đều thông báo cho gia đình ông Nhảy. Đang trong cảnh phải chạy ăn từng bữa thì tai nạn bất ngờ ập đến với thằng con trai. "Bữa đó nó đi thả diều với mấy đứa trẻ trong xóm, khi về chẳng thấy diều đâu tôi gặng hỏi thì thằng bé bảo bị vướng trên đường điện. Nó còn nói với vợ tôi "tối con sẽ đi lấy diều" nhưng tôi không để ý. Ai ngờ thằng bé làm thật.


Do ban ngày bị người dân trong lối xóm cản không cho trèo lên cột điện nên nửa đêm, khi cả nhà đã chìm vào giấc ngủ thằng bé lẻn ra ngoài cầm theo con dao với ý định đi cứu diều. Nhưng ý định ấy chưa kịp thực hiện thì bé Thanh đã bị dòng điện cao thế phóng xuống khiến cháu rơi tự do xuống đất. Sau khi lực lượng dân phòng phát hiện chuyển tới sơ cứu tại bệnh viện địa phương, nạn nhân được chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng 2.


Bong dien 03Hy vọng cứu con của người cha tật nguyền đang tắt dần


Bác sĩ Lê Văn Tùng, Trưởng khoa Bỏng – Chỉnh hình cho biết, bệnh nhi bị bỏng điện độ III, độ IV rất nặng, chiếm tới 50% cơ thể. Các kết quả chẩn đoán hình ảnh còn ghi nhận, cháu bị chấn thương sọ não do nứt hộp sọ, dập phổi, nứt xương chậu. Bệnh nhi không có bảo hiểm y tế, hiện chi phí điều trị mỗi ngày lên tới gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình không thể lo nổi bất kỳ khoản chi nào. Chúng tôi đang cố gắng hết sức nhưng việc không đáp ứng đủ các điều kiện chạy chữa gây rất nhiều khó khăn cho quá trình điều trị.


Ngoài chiếc xe gắn máy 3 bánh cà tàng, ông Nhảy không còn bất kỳ tài sản nào có giá trị để bán hoặc thế thấp để vay mượn. Vừa túc trực bên con, ông vừa cố gắng gọi điện cầu cứu những người quen biết nhưng người giúp thì ít mà kẻ từ chối thì nhiều. "Tôi chỉ mong nó sống, ốm yếu què quặt gì tôi cũng nuôi được." Nhưng ước nguyện ấy của người cha đang tắt dần theo những khoản viện phí mãi nhân lên mỗi ngày.


Nguồn: Dantri

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi