Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 14:38

Người khuyết tật tự tạo việc làm và nhận lao động vào làm việc, trong đó có NKT đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, mang tính KT - XH, nhân văn sâu sắc và cũng là minh chứng cho thấy pháp luật về NKT đang đi vào cuộc sống. Nhằm đánh giá hiệu quả SXKD và sự đóng góp vào phát triển KT - XH ở địa phương của NKT, vào ngày 13/10/2015 tới đây, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức Hội nghị Biểu dương “NKT tiêu biểu trong SXKD” lần thứ III (giai đoạn 2010 - 2015). Tạp chí Người Bảo trợ trân trọng giới thiệu về Hội nghị này.

 

 

CO HOA

Bà Cao Thị Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ NKT, TMC tỉnh Thái Bình (hàng đầu thứ ba từ trái sang) và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của tỉnh đi thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của NKT Thái Bình

 

Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông và do hậu quả của chiến tranh, các nguyên nhân khác hiện có khoảng 124.000 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ gần 7% dân số. Trong đó, số người khuyết tật còn khả năng lao động trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%.

 

Với truyền thống lao động cần cù, vượt khó, với nghị lực vượt lên hoàn cảnh khẳng định mình với cộng đồng xã hội, nhiều người khuyết tật Thái Bình đã không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành các “ông chủ, bà chủ” cơ sở SXKD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động là người khỏe mạnh cũng như người đồng cảnh. Sản phẩm của họ làm ra không thua kém về mẫu mã, chất lượng so với các sản phẩm cùng loại do người bình thường sản xuất. Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Thái Bình không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

 

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ kịp thời để các đối tượng vượt qua khó khăn, khích lệ, động viên họ không ngừng phấn đấu. Mỗi năm, Hội đã tổ chức vận động trao tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc, hàng ngàn suất quà, hỗ trợ sinh kế cho gia đình có người khuyết tật. Ba đến năm năm một lần, Hội tổ chức Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật trong toàn tỉnh; năm năm một lần, Hội tổ chức Hội nghị Biểu dương người khuyết tật tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh.

 

Theo ông Mai Xuân Trường - Chủ tịch tỉnh Hội: “Hội nghị Biểu dương người khuyết tật tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh lần thứ III, giai đoạn 2010 - 2015 sẽ tổ chức vào tháng 10/2015 để chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, là dịp đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, ghi nhận và biểu dương sự đóng góp tích cực của họ vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thiết thực tham gia đóng góp vào sơ kết giữa kỳ Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020. So với hai lần tổ chức trước, Hội nghị lần này có số lượng đại biểu đông nhất. 100% đại biểu là Giám đốc Công ty, Giám đốc doanh nghiệp, chủ cửa hàng, cửa hiệu, chủ gia đình làm kinh tế giỏi. Ngành nghề kinh doanh của các cơ sở khá đa dạng, thể hiện sự tham gia và thành công của người khuyết tật trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác nhau như: may mặc, gỗ mỹ nghệ, thêu, tin học văn phòng, chế tác vàng bạc đá quý, điện tử, điện lạnh, cơ khí, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng lương thực, thực phẩm, hiệu thuốc bắc gia truyền, chăn nuôi và một số ngành nghề khác. Trong đó, nghề may chiếm tỷ lệ lao động nhiều nhất so với các ngành nghề khác. Độ tuổi bình quân của các đại biểu là 40, người cao tuổi nhất là 66 tuổi, ít tuổi nhất là 26 tuổi”.

 

Những bông hoa trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ của người khuyết tật

 

70 đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ III là những bông hoa tiêu biểu nhất trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Nhận thức được khiếm khuyết của mình, họ đã phát huy nội lực, trỗi dậy, vượt lên mọi thử thách của cuộc sống để lao động, học tập, cống hiến, đóng góp công sức của mình trên mọi lĩnh vực. Qua thống kê, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của 70 đại biểu dự Hội nghị lần này đã thu hút được khoảng 1.000 lao động, trong đó có gần 300 lao động là người khuyết tật.

 

anh 2 Thai Binh

Anh Lại Văn Điệp (đứng) theo dõi NKT thi tay nghề giỏi ngành mộc mỹ nghệ tại Hội thi Tay nghề giỏi NKT tỉnh Thái Bình lần thứ III

 

Trong ngành may, không thể không kể đến anh Phạm Trọng Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH May Song Long (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng). Từ hai bàn tay trắng, sau thời gian nỗ lực gây dựng, đến nay Công ty của anh đã phát triển ổn định với nguồn vốn lưu động, vốn thiết bị công nghệ dây chuyền sản xuất trị giá gần 5 tỷ đồng. Mỗi năm, Công ty xuất xưởng trên 500.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, trong đó có 100 lao động thường xuyên (30 lao động là người khuyết tật), thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong lĩnh vực này, còn có anh Phạm Hữu Thuý, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân người tàn tật Phạm Xuân Thuý (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng). Cơ sở của anh chuyên sản xuất áo Jacket và đồng phục học sinh cấp I, cấp II, mỗi năm xuất xưởng trên 100.000 sản phẩm, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng. Anh đã tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 16 người khuyết tật với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Đại diện cho ngành may mặc còn có chị Phạm Thị Hoàn (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư), chị Trần Thị Hải (xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) và nhiều gương điển hình.

 

Trong lĩnh vực chế biến: Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, chị Tạ Thị Hạnh (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) đã tập trung vào lĩnh vực chế biến hải sản. Với diện tích nhà xưởng 1.000m2, 5 lao động thường xuyên (vào thời vụ có thể lên đến 40 người), mỗi năm, cơ sở của chị Hạnh chế biến hơn 100 tấn hải sản, doanh thu đạt từ 2 - 3 tỷ đồng. Chị đã tạo việc làm cho nhiều con em gia đình chính sách tại địa phương và có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng .

 

Thành công trong lĩnh vực kinh doanh, anh Lại Văn Điệp (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) - Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ, người khuyết tật vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam, 20 thanh niên làm theo lời Bác năm 2014, đại diện duy nhất cho thanh niên Việt Nam dự Đại hội Đại biểu Uỷ ban TMTQ Việt Nam lần thứ VIII năm 2014. Hiện nay, với nguồn vốn trên 1 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt 3,5 tỷ đồng, anh tạo việc làm thường xuyên cho 30 người, trong đó có 16 người khuyết tật với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Còn rất nhiều những tấm gương tiêu biểu cho nghị lực vượt khó, nỗ lực tạo dựng cuộc sống được vinh danh trong Hội nghị lần này. Họ một lần nữa khẳng định năng lực và sự đóng góp một cách hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với NKT Thái Bình nói riêng và NKT cả nước nói chung.

 

Bài học kinh nghiệm

 

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình cho rằng: Từ thực tiễn công tác Hội và những tấm gương vượt khó vươn lên của NKT, có thể rút ra một sôsố bài học kinh nghiệm:

 

Một là: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang ngày càng thực sự đi vào cuộc sống; nhận thức xã hội về vấn đề NKT và chính sách của Nhà nước đang có sự thay đổi rõ rệt từ phương thức tiếp cận từ thiện sang dựa trên quyền của NKT, tôn trọng và tạo cơ hội để NKT được lựa chọn, phát huy tiềm năng của mình. NKT đã được tiếp cận với khoa học công nghệ, với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

 

Hai là: Bản thân NKT đã ngày càng có ý thức sâu sắc về hoàn cảnh của mình để nỗ lực tận dụng các cơ hội vươn lên. Họ đã tự tin hơn, tham gia sâu rộng hơn, hiệu quả hơn vào các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tiếng nói của họ được coi trọng, khả năng và thế mạnh được phát huy, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bản thân NKT phải chịu khó học hỏi vươn lên bằng chính khả năng của mình; năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tận dụng lợi thế ngành nghề truyền thống sẵn có ở địa phương và du nhập nghề mới, sản xuất dựa trên khả năng, nhu cầu của thị trường.

 

Ba là: Để thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh của NKT ngày càng phát triển, với vai trò của mình, các cấp Hội phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để hỗ trợ NKT về đào tạo nghề, truyền nghề và tạo việc làm một cách hiệu quả hơn; coi trọng việc Sơ kết, Tổng kết, thường xuyên tổ chức các hội nghị biểu dương để NKT có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

 

Bốn là: Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động Hội nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của NKT nói riêng.

* * *

Có thể nói, Hội nghị Biểu dương người khuyết tật tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh lần thứ III, giai đoạn 2010 - 2015 do tỉnh Hội Thái Bình tổ chức không chỉ là dịp ghi nhận, vinh danh ý chí, thành tích của 70 đại biểu dự Hội nghị mà qua đó còn góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần thi đua của người khuyết tật trong toàn tỉnh cố gắng vươn lên, làm chủ cuộc sống, hỗ trợ người đồng cảnh. Hoạt động này còn khẳng định khát vọng, năng lực làm việc của người khuyết tật cần được tạo điều kiện để thể hiện, phát huy đóng góp nguồn lực cho xã hội.  


Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi