Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) bắt đầu hoạt động từ năm 1996 tại Hà Nội. Để thực hiện các Dự án can thiệp và vận động chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, đặc biệt với các nhóm: người rối nhiễu tâm trí, trẻ khuyết tật, mồ côi nghèo, phụ nữ mang thai... Đồng thời, nghiên cứu, phát triển hệ thống y tế và phát triển nghề CTXH, nhằm mở rộng, nghiên cứu, đào tạo, phát triển mô hình can thiệp cộng đồng và nâng cao chất lượng CTXH tại Việt Nam.
Nghiên cứu, đào tạo, phát triển mô hình can thiệp cộng đồng
Những ngày đầu thành lập, Trung tâm RTCCD hoạt động với sự tham gia của 4 nhà khoa học và hoạt động xã hội. Trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển, Trung tâm đã xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên môn đa lĩnh vực bao gồm: nhi khoa, y tế, y tế công cộng, tâm lý học, tâm thần học, điều dưỡng, luật, giáo dục, khoa học công nghệ, nông nghiệp, triết học và kinh tế. Tất cả cán bộ của Trung tâm đều làm việc toàn thời gian và hầu hết đều có 5 năm kinh nghiệm.
Là một tổ chức độc lập, Trung tâm đã thành công trong vận động chính sách ở các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ trẻ em, phát triển trẻ toàn diện và phòng chống xâm hại trẻ em. Hiện nay, Trung tâm là đối tác thường xuyên cung cấp bằng chứng khoa học và tư vấn phản biện kỹ thuật cho các cơ quan phát triển chính sách của Việt Nam như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên Giáo Trung Ương và các ủy ban chuyên trách của Quốc Hội.
Trung tâm còn chú trọng triển khai các nghiên cứu phát triển hệ thống y tế, đi đầu trong các tổ chức nghiên cứu độc lập về hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu khu vực nông thôn, chăm sóc sức khỏe tâm trí dựa vào cộng đồng, nghiên cứu về chất lượng dịch vụ y tế công - tư và đổi mới hệ thống, thực hiện phản biện luật khám chữa bệnh theo yêu cầu của Quốc Hội, tham gia phát triển chính sách chăm sóc sức khỏe tâm trí, luật tâm thần của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu can thiệp cộng đồng được Trung tâm thường xuyên thực hiện dài hạn với các dạng thiết kế lồng ghép. Để thực hiện tốt các hoạt động, Trung tâm luôn duy trì một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp thực hiện trọn vẹn tất cả các khâu, từ thiết kế nghiên cứu, tổ chức thu thập số liệu, quản trị dữ liệu đến phân tích số liệu và viết báo cáo. Một trong những hoạt động nổi bật của Trung tâm là nghiên cứu can thiệp chống suy dinh dưỡng trẻ em, nghiên cứu quốc tế đánh giá các phương thức phòng chống thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em các nước đang phát triển, bằng thử nghiệm can thiệp cộng đồng phân bổ ngẫu nhiên có kiểm soát của CIDA Canada, nghiên cứu đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ ở các nước đang phát triển của hội đồng nghiên cứu quốc gia Australia.
Không chỉ tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, Trung tâm luôn coi việc chăm sóc sức khoẻ tâm trí là mảng hoạt động chủ chốt, cung cấp các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu và can thiệp cộng đồng theo hướng phòng chống các bệnh tâm thần phổ biến tại Việt Nam, là nơi thực hiện các phân tích và vận động xã hội thực hiện chống kỳ thị. Ngoài ra, Trung tâm mở phòng khám TuNa nhằm cung cấp dịch vụ sàng lọc, dự phòng và tư vấn rối nhiễu tâm trí, tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị tầm quốc gia và quốc tế về chăm sóc sức khoẻ tâm trí từ năm 2005 đến nay.
Buổi tập huấn về Trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần dựa vào cộng đồng do Trung tâm phối hợp với Cục Bảo trợ Xã hội tổ chức
ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, Trung tâm tập trung đẩy mạnh can thiệp sớm phát triển trẻ toàn diện ngay từ giai đoạn trong bào thai, với các hướng đi xây dựng năng lực cộng đồng chăm sóc phụ nữ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ, cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cán bộ tuyến cơ sở về lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, tư vấn và hỗ trợ các gia đình theo dõi chăm sóc phát triển trẻ toàn diện trong các năm đầu đời...
Để đạt được những thành công đó, trong quá trình hoạt động và phát triển của tổ chức, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ, đóng góp trên các phương diện khác nhau của rất nhiều cá nhân, tổ chức, các nhà tài trợ trong và ngoài nước tạo nên sự vững mạnh của Trung tâm như hiện nay. Hiện Trung tâm đang hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan, bộ ngành, tổ chức song phương và đa phương, các tổ chức độc lập trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ bền vững với khoảng 40 Sở Y tế tại các tỉnh, thành trong cả nước, nhằm mở rộng hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển mô hình can thiệp cộng đồng tại miền Nam và một số nước châu á.
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng CTXH ở nước ta
Với mục tiêu nâng cao chất lượng CTXH tại Việt Nam, Trung tâm RTCCD đã thiết lập bộ phận chuyên đào tạo phát triển nghề CTXH, đó là Phòng phát triển nghề CTXH SWPDC. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, Phòng SWPDC có nhiệm vụ cung cấp các khóa đào tạo và phát triển nghề CTXH cho các cán bộ, nhân viên CTXH, hỗ trợ kiến thức kỹ năng chuyên môn trợ giúp cá nhân và gia đình yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động kết nối nguồn lực, giới thiệu dịch vụ, phát huy tiềm năng, nguồn lực của nhóm đối tượng yếu thế, giúp họ tự giải quyết vấn đề.
Cán bộ và cộng tác viên CTXH của Trung tâm RTCCD
Trung tâm còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về nghề CTXH như: CTXH trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em; tập huấn thực hành CTXH; chăm sóc thay thế và chăm sóc nhận nuôi đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; CTXH trong đảm bảo an toàn và phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; CTXH trong chăm sóc trẻ có cha mẹ bị bệnh tâm thần và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; xây dựng cơ sở CTXH chuyên nghiệp; chăm sóc và nâng cao năng lực cho cán bộ CTXH; tự nhận thức và an toàn cho cán bộ CTXH... Mỗi khóa, Trung tâm nhận đào tạo từ 15 - 25 học viên, dành cho các cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tư nhân, nhằm cung cấp dịch vụ CTXH có kỹ năng cao và đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện các nghiên cứu, đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ CTXH, đánh giá nhu cầu đào tạo, từ đó tư vấn để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CTXH cho các tổ chức và tại các địa phương trong cả nước.
Bác sĩ, Tiến sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm RTCCD cho biết: "Đồng hành cùng các chương trình đào tạo, Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn về phòng tránh tai nạn thương tích cho các cộng tác viên CTXH, bởi họ là những người trực tiếp làm việc có hiệu quả nhất với các cá nhân và gia đình để nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em trong cộng đồng. Gần đây nhất, Trung tâm đã phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án 32 tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm CTXH tỉnh Thanh Hóa triển khai khóa tập huấn về chăm nuôi đỡ đầu cho trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và phòng chống bạo lực đối với trẻ em. 168 cán bộ lãnh đạo các xã, nhân viên CTXH và cán bộ xã hội cấp xã của 27 huyện, thị xã trong tỉnh Thanh Hóa đã tham gia khóa tập huấn này".
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Vietnam Airlines triển khai chính sách ưu đãi dành cho người khuyết tật - 13/10/2014 03:06
- Đoàn thể thao người khuyết tật VN xuất quân đi Incheon - 13/10/2014 03:04
- VĐV thể thao người khuyết tật: Quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc - 09/10/2014 04:05
- Giai đoạn 2015 - 2020: Hỗ trợ dạy nghề dưới các hình thức cho 455.000 người khuyết tật - 03/10/2014 06:20
- Một số mô hình về hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật Đồng Nai - 03/10/2014 03:52
Các tin khác
- Biện pháp hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về Toán - 02/10/2014 04:23
- Dạy tiếng anh cho người khuyết tật tại Mai Châu - 01/10/2014 07:21
- Từ chuyện sinh viên bán phở và từ chối nước Mỹ - 18/09/2014 04:41
- Tôn vinh giáo viên giáo dục học sinh khuyết tật - 12/09/2014 06:57
- Phê duyệt Đề án Tuyên truyền xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực - 12/09/2014 02:42