Thứ sáu, 03 Tháng 10 2014 10:52

Là một tổ chức nhân đạo quốc tế độc lập, hoạt động trong lĩnh vực giảm nghèo và hòa nhập xã hội tại địa bàn có xung đột và thiên tai, Handicap International luôn đồng hành cùng NKT và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Dự án "Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật tỉnh Đồng Nai" là một trong những hoạt động thực sự hiệu quả mà tổ chức đã và đang thực hiện tại Việt Nam. Với Dự án này, Handicap International đã thí điểm thành công một số mô hình, phương pháp tiếp cận mới trong vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho NKT Việt Nam.


Dự án "Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật" được Handicap International thực hiện tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề và việc làm của NKT trong khu vực thực hiện dự án. Tại Việt Nam, Handicap International thực hiện tại 18 xã thuộc 3 huyện Trảng Bom, Long Thành và Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai.


Đối tượng thụ hưởng của dự án tập trung vào những NKT trong độ tuổi lao động, có khả năng làm việc, không có công việc ổn định, có nhu cầu học hỏi một kỹ năng nghề và/hoặc được cung cấp vốn để bắt đầu phát triển một hoạt động kinh doanh hoặt tìm một công việc được trả lương, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ tài chính và/hoặc các dịch vụ xã hội. Trong giai đoạn 2011 – 2014, Dự án tập trung vào các hợp phần như: định hướng nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ NKT tự sản xuất kinh doanh, hỗ trợ NKT tìm việc và hỗ trợ xã hội. Mỗi hợp phần được xây dựng như một mô hình thí điểm trong việc hỗ trợ NKT tiếp cận việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho NKT.


Sau 4 năm thực hiện Dự án, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Handicap International đã phát triển được một số mô hình và phương pháp mới trong hỗ trợ việc làm cho NKT tại Việt Nam như: mô hình định hướng nghề, mô hình cấp vốn, mô hình ban vận động doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, phương pháp hỗ trợ theo ca, mô hình đào tạo nghề chăn nuôi theo phương pháp cầm tay chỉ việc, mô hình tập huấn kỹ năng tìm việc cho NKT và tập huấn cho các doanh nghiệp về việc làm hòa nhập.

 

Tặng ảnh cho nhân vật trong triển lãm ảnh "sống và làm


Hoạt động định hướng nghề được thiết kế nhằm mục đích thực hiện mong muốn làm việc của NKT và thúc đẩy họ chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm. Đồng thời, cung cấp thông tin về các lựa chọn nghề khác nhau cho NKT để họ có thể cân nhắc dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, cung cấp các dịch vụ xã hội hiện có tại địa phương và các chính sách hỗ trợ cho họ trong quá trình làm việc. Theo bà Phạm Thị Bảo Chinh, tư vấn kỹ thuật của dự án, thực hiện mô hình này, Handicap International hỗ trợ kỹ thuật cho 21 cán bộ cấp xã và huyện thuộc 3 huyện mục tiêu thông qua các hoạt động xây dựng bộ công cụ, tập huấn nhóm 5 ngày cho cán bộ phụ trách, thí điểm định hướng nghề cho 315 NKT theo danh sách đăng ký của cán bộ xã. Kết quả có 67% NKT lựa chọn hình thức tự doanh, 7% NKT chọn làm công ăn lương, 2% chọn chỉ học nghề. Các trường hợp này được dự án tiếp tục hỗ trợ. Số còn lại (16% cần thăm ca lại), dự án tổ chức hoạt động hỗ trợ xã hội theo ca, nhằm giúp NKT vượt qua các rào cản, đặc biệt là rào cản từ phía gia đình trong quá trình làm việc. Hoạt động này được thực hiện bởi sinh viên năm cuối hoặc đã tốt nghiệp chuyên ngành CTXH.


Mô hình hỗ trợ NKT tự sản xuất kinh doanh gồm đào tạo kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ vốn không hoàn lại và vốn vay cho đối tượng. Sau khi khảo sát nhu cầu việc làm của NKT trên địa bàn tỉnh, công tác hỗ trợ NKT khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh với vốn không hoàn lại được thực hiện bằng phương pháp hỗ trợ theo ca. Theo đó, NKT được khảo sát ban đầu về khả năng tham gia dự án, được tổ chức định hướng nghề, được phỏng vấn để đánh giá năng lực và ý tưởng kinh doanh. Khi đáp ứng được các nhu cầu của dự án, NKT sẽ được tập huấn kỹ năng kinh doanh, xét duyệt vốn. Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo trợ xã hội, Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai cho biết "Trong khuôn khổ của dự án, từ năm 2011 – 2014, đã có 6 đợt xét duyệt hỗ trợ cho 208 NKT trong đó 4 đợt hỗ trợ không hoàn lại cho 198 người, 2 đợt hỗ trợ vốn vay cho 10 người với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá hoạt động cấp vốn không hoàn lại, có 88% hộ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, 10 NKT vay vốn hiện đang sản xuất kinh doanh tốt, thực hành tiết kiệm và trả lãi đều".

 

Hỗ trợ NKT có nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp


Đào tạo nghề chăn nuôi theo mô hình cầm tay chỉ việc được thực hiện với sự phối hợp của Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai. Phương pháp thực hiện là cầm tay chỉ việc, tổ chức lớp học theo nhu cầu của NKT (mỗi lớp 1 -2 học viên), địa điểm học là nơi sản xuất, chăn nuôi, học viên không đến lớp mà báo cáo viên phải đến nhà, tài liệu, chương trình được biên soạn riêng, thời gian học không cố định, phụ thuộc vào loại vật nuôi, học trên từng con vật nuôi, giai đoạn nuôi, thời gian học có thể là 2 tháng, thậm chí 4 đến 6 tháng. Kết quả, sau 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ được 123 NKT chăn nuôi với nhiều loại hình vật nuôi khác nhau.


Từ tháng 2/2013, Handicap International phối hợp cùng Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT có nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động như: tổ chức sàn giao dịch việc làm hòa nhập cho NKT, đào tạo giảng viên nguồn, hòa nhập NKT tại các trung tâm dịch vụ việc làm công lập và các cơ sở dịch vụ việc làm tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tập huấn cho NKT có nhu cầu tìm việc làm, tập huấn tại chỗ cho doanh nghiệp và thành lập ban vận động doanh nghiệp tuyển dụng NKT vào làm việc... Dự án đã giới thiệu thành công 64 NKT đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau thời gian thử việc, 32 NKT được ký hợp đồng và hài lòng vì có thu nhập, được đóng bảo hiểm đầy đủ và có thêm bạn bè. Ngoài việc không còn phụ thuộc vào gia đình, NKT còn tạo được nguồn tiết kiệm hàng tháng.


Đánh giá về ý nghĩa và tác động của Dự án, bà Lê Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Dự án việc làm và an sinh xã hội cho NKT tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả khả quan và xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả trong đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế cho NKT. Các mô hình này cần được áp dụng và nhân rộng vì đã chứng minh được tính khả thi trong quá trình thí điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai. Việc áp dụng các mô hình này sẽ giúp Đồng Nai thực hiện Kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2013 – 2020 một cách hiệu quả. Thay mặt Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, bà Lê Thị Mỹ Phượng cũng đề nghị 3 huyện tham gia Dự án lên kế hoạch nhân rộng các mô hình Dự án đến toàn bộ các xã trong huyện trong thời gian tới.


(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi