Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp cùng các tổ chức USAID Việt Nam, CRS, VNAH tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng Kế hoạch dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 2015 - 2020. Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, giới thiệu một số mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả cho NKT đồng thời đóng góp ý kiến cho dự thảo Kế hoạch dạy nghề tạo việc làm cho NKT giai đoạn 2015 - 2020.
Kết quả dạy nghề cho NKT còn khiêm tốn
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu NKT. Cuộc sống của đa số NKT Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo đói cao hơn các nhóm dân cư khác trong xã hội do họ không tiếp cận được với thị trường lao động, thiếu việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là do trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế...
Để trợ giúp NKT hòa nhập xã hội, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Các hoạt động hỗ trợ NKT trong lĩnh vực dạy nghề, việc làm bao gồm nhiều hoạt động, từ việc ban hành các chính sách hỗ trợ, phát triển hệ thống cơ sở vật chất dạy nghề, tổ chức triển khai các chương trình, đề án dạy nghề, cho vay vốn ưu đãi khi tham gia học nghề, tạo việc làm, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận NKT vào làm, miễn, giảm thuế...
Theo bà Lê Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục BTXH, Giám đốc NCCD: trong những năm qua, đã có nhiều văn bản, chính sách quy định về dạy nghề, việc làm cho NKT như Bộ luật Lao động (sửa đổi) ban hành năm 2012 đã dành một mục riêng với 3 điều quy định về lao động là NKT; Luật Dạy nghề ban hành năm 2006 dành toàn bộ Chương VII quy định về dạy nghề cho NKT; Luật NKT có chương V về dạy nghề và việc làm cho NKT... Tất cả các quy định trong các bộ luật quan trọng đều nhằm mục tiêu ưu tiên, trợ giúp NKT học nghề, tạo việc làm và trợ giúp các cơ sở dạy nghề cho NKT nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng.
Bà Lê Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Giám đốc NCCD phát biểu tại Hội thảo
Ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 250.000 NKT và đến năm 2020 có 300.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2012, ngân sách Nhà nước đã bố trí gần 10 tỷ đồng từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để dạy nghề cho NKT. Các địa phương đã tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm về trợ giúp NKT, trong đó có công tác dạy nghề, việc làm.
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng, Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề cho biết: tính đến nay cả nước có khoảng 80.000 NKT được tổ chức học nghề, tạo việc làm. Tổng hợp trong 2 năm 2012 – 2013 có 4.806 NKT được hỗ trợ học nghề trong chương trình hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, chiếm 0,52% tổng số người được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956.
Năm 2012 - 2013, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 925 NKT các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong 8 năm (2005 - 2013) đã tổ chức dạy nghề cho 5.458 người. Sau học nghề, có 4.393/5.458 người (chiếm 80%) có việc làm và thu nhập ổn định. Trong các năm 2012 - 2013 Hội đã thí điểm mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa để tổng kết, nhân rộng. Riêng năm 2013, Hội đã tổ chức đào tạo được 572 người/33 lớp học/23 đơn vị dạy nghề thuộc 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau học nghề có 469 người được sắp xếp việc làm. Hội người mù Việt Nam trong 5 năm đã tổ chức được 554 lớp dạy nghề cho 9.145 Hội viên. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của các tổ chức Hội Chữ thập đỏ, tổ chức của NKT và vì NKT, các tổ chức quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như CRS, Handicap, VNAH... một số doanh nghiệp... đã đóng góp đáng kể cho kết quả dạy nghề chung cho NKT.
Cũng theo ông Tiến, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập như: cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay thấp, mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn thấp (15.000 đồng/người/ngày học), hiện có nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT trên cùng một địa bàn địa phương và các tỉnh, thành phố, nhưng chưa có sự theo dõi, kiểm soát, thống kê tổng số NKT được dạy nghề, chưa tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình thực hiện, trên cơ sở đó nhân rộng các mô hình hiệu quả. Việc áp dụng các mô hình trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động là NKT được dạy nghề, tạo việc làm và mức kinh phí riêng chưa được thể hiện trong kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn của các địa phương...
Giai đoạn 2015 - 2020: 455 nghìn NKT được hỗ trợ dạy nghề
Với mục tiêu từ năm 2012 đến năm 2020 dạy nghề và tạo việc làm cho 550 nghìn NKT là một thách thức lớn trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1019/QĐ/TTg của Thủ tướng chính phủ. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có kế hoạch triển khai chi tiết với giải pháp và lộ trình cụ thể.
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2012 - 2014, để thúc đẩy công tác trợ giúp NKT trong lĩnh vực dạy nghề, việc làm, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Dạy nghề, Cục Việc làm, Cục Bảo trợ Xã hội và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp xây dựng Kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho NKT giai đoạn 2015 - 2020.
Dự thảo kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho NKT giai đoạn 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020 hỗ trợ dạy nghề dưới các hình thức cho 455.000 NKT, trong đó có 5% được hỗ trợ dạy nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng; Tăng tỷ lệ NKT có việc làm sau học nghề, phấn đấu đạt mức 70 - 80% số NKT sau học nghề có việc làm phù hợp với thu nhập ổn định; 90% giáo viên dạy nghề, cán bộ tư vấn viên việc làm cho NKT được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn và các kiến thức liên quan; 70% các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động hội chợ việc làm và sàn giao dịch việc làm bố trí khu vực dành riêng cho NKT; 50% các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm và các trung tâm dịch vụ việc làm được cải tạo, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để NKT tiếp cận được.
Để thực hiện được các mục tiêu này, kế hoạch đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và phân công tổ chức thực hiện cụ thể. Trong đó, Tổng cục dạy nghề, Cục Bảo trợ xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản chính sách liên quan đến dạy nghề, việc làm cho NKT, xây dựng chương trình, tài liệu, dạy nghề, danh mục nghề phù hợp với NKT... Cục Việc làm chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với NKT... Các Sở LĐTBXH căn cứ kế hoạch của Bộ LĐTBXH và điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020, kế hoạch hàng năm và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.
Kế hoạch dạy nghề giai đoạn 2015 - 2020 cũng khuyến khích các tổ chức của và vì NKT như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam... tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn pháp lý cho người khuyết tật năm 2014 - 21/10/2014 02:15
- Gian nan hành trình dạy trẻ tự kỷ - 13/10/2014 03:09
- Vietnam Airlines triển khai chính sách ưu đãi dành cho người khuyết tật - 13/10/2014 03:06
- Đoàn thể thao người khuyết tật VN xuất quân đi Incheon - 13/10/2014 03:04
- VĐV thể thao người khuyết tật: Quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc - 09/10/2014 04:05
Các tin khác
- Một số mô hình về hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật Đồng Nai - 03/10/2014 03:52
- Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng Phát triển mô hình can thiệp cộng đồng và nâng cao chất lượng CTXH tại Việt Nam - 03/10/2014 03:50
- Biện pháp hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về Toán - 02/10/2014 04:23
- Dạy tiếng anh cho người khuyết tật tại Mai Châu - 01/10/2014 07:21
- Từ chuyện sinh viên bán phở và từ chối nước Mỹ - 18/09/2014 04:41