Thứ năm, 18 Tháng 12 2014 13:09

Nơi biển đảo xa, giữa muôn vàn gian khó, cùng những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có một con người lặng thầm gieo hạt mầm tri thức cho những công dân trẻ ở đảo Trường Sa lớn đó là cô giáo Bùi Thị Nhung, năm nay 32 tuổi.

 

 

Cô giáo Nhung và học trò trên đảo Trường Sa.

 

 

Trước đây cô là giáo viên Trường Tiểu học Suối Cát, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Chồng cô là anh Đặng Thanh Chương, trước làm công nhân Xí nghiệp cát trắng Cam Ranh. Anh chị có một cháu gái xinh xắn cùng một mái ấm yên bình. Mọi chuyện có thể sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Nhung an phận làm cô giáo làng, xây đắp cuộc sống bình dị mà ấm êm giữa lòng quê hương. Nhưng cuộc sống bỗng đổi thay rất nhanh khi một ngày đầu năm 2008, cô đọc trên báo được biết đang có nhiều cháu nhỏ Trường Sa thất học, vì không có trường lớp, thầy cô. "Đọc những dòng tin ấy, tim mình như thắt lại. Các cháu theo cha mẹ ra sống ngoài đảo xa đã là cực khổ lắm rồi, lại còn thất học nữa thì quả là quá thiệt thòi... Chợt thấy, sao lâu nay mình vô cảm quá. Nếu cứ vô cảm như vậy, thì các em còn khổ đến bao giờ! Thế là mình quyết định xin ra dạy học ở Trường Sa". Nhung bộc bạch, vẫn biết cuộc sống ở đảo khó gấp nhiều lần ở đất liền, nhưng trước sự thôi thúc của con tim không gì ngăn được quyết tâm của cô. Ý định ra đảo của Nhưng đã vấp phải sự phản đối của gia đình. Nhưng thật may, giữa lúc đang bối rối, thì Nhung tìm được sự đồng cảm, chia sẻ từ phía chồng. "Nghe vợ bảo đi ra đảo, ban đầu mình cứ tưởng là đùa. Nhưng khi nghe ý định nghiêm túc của vợ, mình cũng suy nghĩ và ủng hộ, vì mình hiểu suy nghĩ và trăn trở về những đứa trẻ ở Trường Sa của Nhung". Thấy cả hai vợ chồng cùng quyết ra đảo, cha mẹ hai bên cũng không ngăn cản nữa. "Lúc đầu cũng buồn, nhớ nhà và học trò cũ nhiều, nhưng đến giờ khi đã bắt đầu quen với cuộc sống mới, có được những học trò mới rất dễ thương, tôi thấy mình đã vững tâm hòa nhập", Nhung tâm sự. Đến giờ, ngay cả cô bé Phương An, con gái của họ, cũng đã quen với cái nắng, cái gió, cái không khí nồng vị mặn của biển... Họ đã sống ở đây gần hai năm, đã kịp thấm trong lòng tình yêu tha thiết với Trường Sa – quê hương mới của mình. "Vùng đảo này chỉ có 12 em đang học từ mầm non đến lớp 4, một mình em dạy cho tất cả là vừa đủ", cô giáo Nhung cười cho biết về công việc thường ngày của mình. Lớp học của 13 cô trò hồi mới "lập trường" chỉ là hành lang giữa nhà trên và nhà dưới trong căn hộ của hai vợ chồng, cô Nhung tận dụng kê vài bộ bàn ghế, một tấm bảng. Đến giờ thì lớp học mới đã được xây dựng khá khang trang. Mặc dù mang tiếng là dạy bốn lớp, nhưng cô tập trung hết học sinh vào một lớp, rồi phân thành từng nhóm để dạy riêng. Trong lớp, cô giáo Nhung luôn phải quay như chong chóng: Ngày nào cũng vậy, cả ngày nắng lẫn ngày mưa bão, cô đều lên lớp cả sáng lẫn chiều. Nhiều đêm phải thức đến gần sáng để soạn giáo án. Cô giáo Nhung chia sẻ: "Cũng mệt vì quá sức, nhưng vui. Duy chỉ có điều, dạy văn cho các em ở ngoài này rất khó. Bởi các em ở ngoài này chẳng mấy khi có điều kiện tiếp xúc với xã hội, biết về những thông tin của cuộc sống. Ví dụ như những cánh đồng lúa chín, cây đa, đình làng, con trâu, cánh cò... đối với bọn trẻ trong đất liền thì quá thân thuộc, nhưng với trẻ ở đảo thì chưa bao giờ nhìn thấy, muốn hình dung ra bằng trí tưởng tượng cũng khó".


Cuộc sống của trẻ em ngoài đảo rất thiếu thốn về vật chất. Bù lại học sinh ở Trường Sa rất ham học. Đứa nào cũng thích đi học. Qua những giờ học, chúng tìm thấy được nhiều điều mới lạ, lấy đó làm niềm vui. Nói về những học trò của mình, cô giáo Nhung thở phào: Cũng may gần đây Trường Sa đã có thể xem được ti vi, nên bọn trẻ cũng mở mang tầm hiểu biết hơn nhiều


Tất cả 12 học trò của cô giáo Nhung đều học khá. Trong đó, em Nguyễn Thanh An, học sinh lớp 4 luôn là học sinh giỏi. Còn cô giáo Nhung thì đang ấp ủ "đề án" dạy Anh văn cho các em học sinh. "Em muốn được làm cho các em nhiều hơn nữa", cô cười mà không giấu được những niềm trăn trở trên khóe mắt...


(Theo nhandaovadoisong.com.vn)

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Người gieo chữ ở Trường Sa

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi