Thứ ba, 25 Tháng 8 2015 05:37

Nhiều cơ sở với hàng ngàn con heo - được cung ứng cho TP.HCM, Bình Dương sử dụng chất cấm cho heo ăn.

 

Hôm qua (20-8), cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ việc Công ty TNHH Sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (quận Tân Phú, TP.HCM) sản xuất thuốc thú y chứa các chất cấm. Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 19-8, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Cục Cảnh sát kinh tế (C46) và Thanh tra Bộ NN&PTNT niêm phong hơn 300 sản phẩm thuốc thú y của Công ty Khoa Nguyên. Trong đó, có khoảng 750 kg sản phẩm KN-Samurai được cho là có chứa chất cấm sabultamol (có nguy cơ gây ung thư ở người) để tạo nạc, bung đùi, nở mông vai cho heo.

 

Hàng ngàn heo ăn chất cấm ra chợ

 

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT, một trong các điểm mà Công ty Khoa Nguyên đã bán thuốc chứa sabultamol là cửa hàng thuốc thú y Thùy Dương (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Cùng ngày 20-8, ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho hay: "Trước đó, khi phân tích các mẫu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, chúng tôi phát hiện mẫu của cửa hàng Thùy Dương chứa chất cấm vượt ngưỡng cho phép".

 

Tuy nhiên, lúc này lô hàng chứa chất cấm sabultamol (khoảng 40 kg) đã được cửa hàng Thùy Dương bán hết. Theo ông Bằng, chủ cửa hàng Thùy Dương khai nhận số hàng này mua từ Công ty Khoa Nguyên nhưng không biết nó chứa sabultamol. "UBND tỉnh đã xử phạt cửa hàng Thùy Dương 87 triệu đồng vì bán thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm sabultamol. Tỉnh cũng đình chỉ hoạt động cửa hàng này trong hai tháng" - ông Bằng cho biết.

 

Được biết, cửa hàng Thùy Dương là một trong những điểm cung cấp thuốc thú y lớn tại huyện Thống Nhất - nơi được xem là "thủ phủ chăn nuôi" của Đồng Nai. Tuy nhiên, chủ cửa hàng này "không biết trại nuôi heo nào mua".

 

Ông Th., một chủ trại chăn nuôi ở phường Long Bình (Biên Hòa), cho biết trên thị trường có hơn chục loại chất tạo nạc, giá 300.000-600.000 đồng/kg, dùng pha trộn cho khoảng 50 con heo. Loại đậm đặc khoảng 1,8 triệu đồng/100 g, pha nuôi được 100 con. Như vậy, với khoảng 40 kg mà cửa hàng Thùy Dương đã bán có thể trộn vào thức ăn cho khoảng 2.000 con heo. Điều này đồng nghĩa với việc có từng ấy con heo ăn chất cấm có thể đã bị xẻ thịt bán cho người tiêu dùng" - ông Th. nói.

 

Nhandao-ATTP 1.2


Heo ăn chất tạo nạc thường nằm, ngủ li bì vì chất này làm xương giòn khiến heo khuỵu chân, thậm chí gãy.
tạo nạc, heo bẩn, ung thư

Nhandao-ATTP 1

 


Sản phẩm KN-Samurai chứa chất cấm được cơ quan chức năng phát hiện ở Công ty Khoa Nguyên


"Giam lỏng" hơn 6.500 con heo khác

 

Theo ông Th., các sản phẩm này không có nhãn mác, tem và không có nguồn gốc. Tuy nhiên, hầu hết chúng xuất xứ từ Trung Quốc. "Không ít trang trại chăn nuôi heo sử dụng chất này để tạo nạc. Tùy theo nhu cầu mà người nuôi cho heo ăn trước khi bán một tháng. Lúc gấp, họ dùng thuốc đậm đặc trước khi bán heo xẻ thịt hơn chục ngày" - ông Th. tiết lộ.

 

Ông Trần Minh Thành, Phó phòng Thú y cộng đồng (Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai), cho biết cơ quan thú y đang phối hợp "giam lỏng" 6.640 con heo ở các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và Long Thành. Số heo này thuộc các trại chăn nuôi dùng thức ăn dương tính với sabultamol. "Họ chủ yếu dùng chất cấm trộn vào thức ăn cho heo nhưng khi bị phát hiện thì nói không biết" - ông Thành nói.

 

Đơn cử, đại diện cơ sở chăn nuôi của bà Bùi Thị Sáu (thị trấn Vinh An, Vĩnh Cửu) giãi bày: "Cơ sở trộn thức ăn theo công thức của một... chuyên gia trong chăn nuôi. Các chất này được bày bán công khai từ các cửa hàng, công ty có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi bất ngờ trước kết quả sabultamol vượt quy định". Tuy vậy, chủ trại nuôi Nguyễn Thành An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết có người bán đến tận trang trại chào bán chất tạo nạc nên ông đã mua một ít sử dụng thử.

 

Theo ông Thành, nếu trước đây việc sử dụng chất tạo nạc xảy ra tại những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thì gần đây lại diễn biến phức tạp, xảy ra tại các trại nuôi heo với số đàn hàng trăm con/trại. Lượng heo này chủ yếu cung cấp cho TP.HCM và Bình Dương. Ông Nguyễn Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết Sở đã chuyển các vụ việc sử dụng chất cấm cho công an tỉnh để truy nguồn gốc. Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết Phòng đã tiếp nhận và đang làm rõ.

 

Đối phó đoàn kiểm tra


Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, Chi cục chỉ quản lý những cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, chi cục chưa phát hiện cơ sở nào bán sản phẩm chứa chất cấm sabultamol, clenbuterol hay ractopamine. "Không hẳn các cơ sở này không bán mà có thể họ bán lén lút. Theo quy định, khi muốn kiểm tra, chúng tôi phải báo trước. Như vậy các cơ sở có thừa thời gian để "giếm" các sản phẩm chứa chất cấm. Vì thế, đoàn kiểm tra rất khó phát hiện" - ông Nguyên nói.


Theo ông Nguyên, vừa qua chi cục kiểm tra tám cơ sở giết mổ (ở các quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn). Kết quả có 31/222 mẫu (gần 14%) dương tính chất cấm, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. "Do vậy, chúng tôi mở rộng phạm vi kiểm tra đột xuất các cơ sở chăn nuôi. Thấy đoàn kiểm tra là chủ cơ sở chăn nuôi tránh hoặc đóng cửa. Điều này chứng tỏ họ vẫn sử dụng chất cấm" - ông Nguyên cho biết.


Ngoài ra, số heo đưa vào giết mổ ở TP.HCM trong thời gian qua có lượng tồn dư chất cấm tăng cao so với năm trước, trong đó Đồng Nai có 15% mẫu có chất cấm. Long An, Tiền Giang cũng "dính" với khoảng 25% mẫu có chất cấm.


Trại nuôi nào có heo nhiễm chất cấm thì sẽ bị phạt. Toàn đàn heo được lưu lại và xã giám sát. Đến khi xét nghiệm lại thấy hết chất cấm mới được bán heo. Nhưng nhiều trại đã tẩu tán, như một cơ sở ở huyện Long Thành đã "tuồn" hơn 106 con có chất cấm khi bị giám sát.


Khi con người ăn các thực phẩm tồn dư sabultamol sẽ bị các bệnh lý ở hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ cơ. Nó cũng có thể là tác nhân gây ung thư phổi, gan, tuyến vú, đại trực tràng...


Thực tế điều trị, chúng tôi chưa phát hiện ra bệnh nhân nhiễm chất này. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy nguy cơ ung thư tăng đáng kể do ăn thịt sau khi kiểm soát chất béo (sabultamol là một trong các chất đó - NV). Do vậy, cần ăn thịt đỏ "sạch" vừa đủ cơ thể cần, đồng thời không nấu nướng ở nhiệt độ quá cao. Ngoài ra, cũng nên giảm lượng muối, đường dư thừa không cần thiết cho sức khỏe.
BS TRẦN NGUYÊN HÀ, Trưởng khoa Nội 4,BV Ung bướu TP.HCM

 

(Theo PL TP.HCM)