Theo thống kê mới nhất của Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), hiện nay ngành giáo dục có khoảng trên 1,3 triệu học sinh khuyết tật đang theo học các trung tâm và chương trình giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, giáo viên dạy trẻ khuyết tật đang thiếu trầm trọng do chỉ tiêu giao đào tạo quá ít.
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam”, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp cùng tổ chức UNICEF Việt Nam vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Hải-Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt cho rằng, chỉ tiêu đào tạo giáo viên dạy hòa nhập hiện nay còn quá ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội cần. Đơn cử như Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được giao chỉ tiêu đào tạo 35 sinh viên/năm học.
Trong khi, thực tiễn ở bậc tiểu học quy định 1 cô giáo phụ trách 2 trẻ khuyết tật. Như vậy, nếu so với con số 1,3 triệu trẻ khuyết tật sẽ tính ra số giáo viên cần và đang thiếu hiện nay.
Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện nay trong các văn bản danh mục vị trí việc làm vẫn chưa có vị trí của giáo viên Giáo dục đặc biệt trong hệ thống các trường công lập. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều trường công lập ở địa phương không thể tuyển dụng được vì không có chỉ tiêu trong danh mục công chức hàng năm. Điều này khiến cho công tác giáo dục hòa nhập còn vướng nhiều cái khó.
Th.S Nguyễn Minh Phương-Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, hiện nay đa số trẻ khuyết tật vẫn bị coi là đối tượng cần được bảo trợ và ít được tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ khác. Do đó, việc đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách và cải thiện khả năng giáo dục hội nhập còn thấp, gặp nhiều khó khăn. Mặc dù hằng năm Bộ GDĐT đều có văn bản xác định nhiệm vụ các trường, trong đó có giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng. Tuy nhiên do điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất các địa phương khác nhau nên còn nhiều hạn chế và chênh lệch hiệu quả giữa các đơn vị.
Hơn nữa, có một điều đáng lưu ý là liên quan đến trẻ tự kỷ hiện nay, trong khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, người mắc chứng tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, thì Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị coi tự kỷ là một loại bệnh. Như thế, có nghĩa vẫn còn những quan điểm trái chiều để tiến tới một chính sách quốc gia cho trẻ tự kỷ, nhưng mong muốn lớn nhất của các bậc cha mẹ có con tự kỷ là có được trợ cấp cho gia đình họ để có thể giảm bớt chi phí chi trả cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ.
PGS.TS Nguyễn Văn Hải cho biết, thực tế đến gần 90% sinh viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt chưa tốt nghiệp đã được các trung tâm, trường ngoài công lập đặt hàng tuyển dụng. Ông bày tỏ hi vọng tới đây Bộ GDĐT sẽ có những chính sách hỗ trợ thêm trong việc đào tạo ngành học đặc thù này, đáp ứng đủ nhu cầu các đơn vị địa phương.
Tại Hội thảo nói trên, Ban Tổ chức đã nhận được 65 bài viết tập trung vào cách tiếp cận, các nghiên cứu, thực trạng, bài học kinh nghiệm, chính sách… trong phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam. Tại đây các đại biểu đã trao đổi về phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT trong định hướng xây dựng chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Tin mới
- “Không giới hạn” - Nơi tôn vinh các nghệ sỹ khuyết tật - 23/12/2019 03:49
- Cậu bé tự kỷ 14 tuổi mê tranh Van Gogh với bức tranh được đấu giá trăm triệu: Con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng, sẽ mua nhà và cho mẹ đi du lịch - 11/12/2019 05:09
- Người khuyết tật, phụ nữ có thai đi máy bay có thể đăng ký trực tuyến dịch vụ đặc biệt - 01/11/2019 06:53
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - 01/10/2019 08:36
- Nghị lực của cô sinh viên bị liệt tay bẩm sinh và ước mơ lên giảng đường - 27/09/2019 03:12
Các tin khác
- Cô bé xương thủy tinh trải lòng qua những trang sách - 12/09/2019 07:28
- Điều gì khiến cuộc đời Lợi 'cụt' sang trang? - 03/09/2019 09:04
- Cụt 2 tay khi đá bóng, Assaf thành nhà vô địch taekwondo - 06/08/2019 03:13
- Cậu bé bại não Nguyễn Minh Châu và những ước mơ vì cộng đồng - 08/07/2019 04:55
- Chàng trai khiếm thị học báo và viết “dự án ánh sáng” - 08/07/2019 04:13